Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Sự im lăng của cơ quan tư pháp là bức tường, thành trì của tham nhũng và tha hóa xã hội

Vũ Mạnh Hùng


MỌI DÂN OAN CẦN TẬP TRUNG TẤN CÔNG VÀO SỰ IM LẶNG CỦA NHỮNG KẺ CÓ TRÁCH NHIỆM TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NÓI CHUNG VÀ ĐẶC BIỆT LÀ CƠ QUAN TƯ PHÁP NÓI RIÊNG.


                                                      (Ảnh minh họa)

    Sự né tranh, đùn đẩy, vòng vo, trả lời phần ít ỏi là nạc, phần nhiều là mỡ đen và khi đuối lý là im lặng của các cơ quan hành chính nói chung và các cơ quan tư pháp nói riêng là bức tường, là thành trì vững chắc bảo vệ bọn tham quan ô lại của chế độ độc tài tham nhũng. Sự im lặng của cơ quan tư pháp sẽ đẩy người dân đi đòi công lý rơi vào tình trạng bế tắc, bất lực.

   Chính vì lẽ đó tham nhũng không bao giờ giảm và ngày một gia tăng, oan sai chồng chất không bao giờ giải quyết được, tất yêu sẽ kéo theo sự tha hóa xã hội ngày một thêm trầm trọng. Thành trì này do bản chất chế độ tạo ra, nhằm bảo vệ những kẻ cầm quyền cấp cao bất chính mà hầu hết người dân vẫn nghĩ và vẫn gọi nhầm chúng là lãnh đạo.

   Người dân đi khiếu kiện thường chỉ tấn công những kẻ trực tiếp ăn cướp và gây oan sai cho mình nhưng thường bỏ qua bức tường bảo vệ dung dưỡng cái ác. Nên tôi khuyên mọi người dân oan trái hãy cùng nhau đoàn kết tập trung tấn công vào thành trì này, đặc biệt là những kẻ có trách nhiệm bảo vệ công lý nhưng làm ngơ trước yêu cầu chính đáng của người dân, không để chúng yên chí ngồi mát ăn bát vàng lai vô can, ngày một thăng quan tiến chức bất chính và luôn được kính thưa, kính gửi.

   Khi người dân có đủ bằng chứng về sự việc oan trái của mình gửi đến các cơ quan tư pháp yêu cầu giải quyết. Bọn tham quan ô lại trực tiếp sẽ dùng khoản tiền ăn cướp được “chạy” lo lót bọn nắm quyền tư pháp bất chính này thì con đường tìm công lý bị bế tắc. Người dân một mặt thường chỉ nhằm mục đích đòi lại tài sản của mình, đòi xử lý những kẻ trực tiếp gây ra oan trái đối với mình. Mặt khác, sợ đụng đến những kẻ có trách nhiệm trong các cơ quan tư pháp không ai giải quyết cho mình mà quên đi đó chính là thành trì bảo vệ bọn phạm tôi, gây oan trái cho mình nên ít khi đụng đến, hoặc chỉ đụng đến một cách nhẹ nhàng, không đủ để lay chuyển vị trí quyền lực của cá nhân họ.

   Mọi người dân oan trái càng không dám đụng đến bọn vô lại có chức trách trong ngành tư pháp thì thành trì của tội ác và tham nhũng càng vững vàng. Các cơ quan tư pháp về hình thức là nơi công đường bảo vệ công lý nhưng trong chế độ độc tài toàn trị chính nó lại là bức tường ngăn cản con đường của mọi người dân đi đòi công lý. Bởi một nhà nước không có tam quyền phân lập nên đám quan lại này chỉ là công cụ của những kẻ cầm quyền chế độ. Mặt khác, nhà nước lại không có luật trừng phạt cụ thể về sự im lặng của những kẻ nắm quyền tư pháp, bọn này chỉ bị xử lý khi phe nhóm trong chế độ độc tài tranh giành quyền lực.

   Khi người dân đi đòi công lý không biết cùng nhau tấn công vào sự im lặng này thì bức tường ngăn chặn công lý càng vững chắc, mọi đòi hỏi công lý của người dân chỉ là con số không … Đừng sợ đụng đến vấn đề này thì không đòi được công lý, mà chắc chắn rằng không đụng đến thì càng không bao giờ có công lý. Muốn bức tường này lay chuyển thì phải có đủ số đông người dân yêu cầu nhà nước ra luật cụ thể trừng phạt về sự im lặng của các quan chức trong ngành tư pháp, phải có số đông người dân vạch mặt, yêu cầu xử lý, cách chức những kẻ có trách nhiệm trong ngành tư pháp chây ì, không tuân thủ theo quy định của pháp luật.

   Mọi người dân oan cần có đủ hồ sơ về sự im lặng của những kẻ có chức trách ở từng cấp của cơ quan tư pháp, truy đến cùng về sự im lặng và hãy cùng nhau đoàn kết dùng pháp luật, truyền thông tấn công vào sự im lặng này. mới vó hy vọng cho công lý trong tương lai.

V.M.H

Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=993395457533695&set=a.116958901844026&type=3&theater

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

SUY TƯ VỀ VIỆC NHÀ CẦM QUYỀN ÁP ĐẶT NHỮNG ĐIỀU LUẬT MÙ MỜ PHI LÝ, BẮT NGƯỜI VÔ TỘI !

Vũ Mạnh Hùng

   - Cụ thể về điều 79 BLHS.

   - Xét về khía cạnh pháp lý, âm mưu thì chưa phải là hành vi phạm tội. Mặt khác, điều luật này rất mù mờ, mơ hồ vì không hề có khái niệm pháp lý về chính quyền nhân dân, những quy phạm pháp luật về hành vi chống chính quyền nhân dân. Nên có thể nói đây là một điều luật hết sức phi lý và độc ác nhất của chế độ dùng để đàn áp, bỏ tù, triệt hạ những người tranh đấu ôn hòa bày tỏ chính kiến về lòng yêu nước đụng chạm đến đặc quyền đặc lợi của đám cầm quyền bất chính bất nhân.

  - Xét về ý nghĩa của chính quyền : Một chính quyền được xây dựng lên nó phải là nơi được người dân gửi gắm niềm tin của cuộc sống. Đã nói đến chính quyền là nói đến quyền lực chân chính, công minh chính đại là nơi bảo vệ cái thiện, thực thi những đạo lý của cuộc sống để gìn giữ cho sự tồn tại và phát triển xã hội ... Nếu một chính quyền đúng nghĩa thì trên thế gian này chỉ có kẻ điên mới có âm mưu lật đổ chính quyền.

   Chỉ có tà quyền phản dân hại nước, đội lốt chính quyền mới sợ sự thật, sợ sự công minh chính đại. Kẻ tà quyền thường dùng cái vỏ bọc chính quyền, nấp vào chính quyền đánh tráo khái niệm, đánh lận con đen để thực hiện tư lợi cá nhân bằng quyền lực bất chính, quy chụp đàn áp, bỏ tù những người đụng chạm đến quyền lực đó. Một đất nước nghèo nàn lạc hậu như ở VN người dân còn thờ ơ với chính trị, số đông chưa hiểu hết cái quyền con người của mình, giá trị sống làm người, giá trị sống cống hiến cho xã hội ... thì nó là môi trường phát triển cho những kẻ lưu manh, gian ác. tham tàn ngồi trên đầu dân, đội lốt chính quyền đàn áp những tiếng nói chân chính, làm những việc bất chính để vinh thân phì gia.

   Về hình thức tổ chức thì một chính quyền nó bao gồm cả một hệ thống quyền lực từ trung ương đến địa phương, có quân đội, có công an, vũ khí các loại và nhiều hình thức bảo vệ khác thì một vài người dân chỉ bằng tay không và tiếng nói làm sao có thể lật đổ được.

   Chỉ có kẻ điên, kẻ cướp, kẻ bất nhân, tội đồ dân tộc đang cầm quyền có lợi ích ngược lại với lợi ích của nhân dân, đất nước mới đi bắt những người dân yêu nước vô tội. Nếu một chính quyền mà người ta có thể lật đổ được bằng tay không và tiếng nói thì trên thực tế không tồn tại chính quyền nào như thế. Mặt khác, chính quyền thực chất là của dân, do dân, vì dân lại có kẻ cầm quyền ra lệnh bắt người phi lý như thế thì kẻ đó phải cho vào nhà thương điên.

   Vậy việc bắt những người dân tay không và chỉ nói lên tiếng nói bất đồng chính kiến thì chính nhà cầm quyền CSVN đã tự phơi bày bản chất cầm quyền không chính danh của mình. Bởi nhà nước của dân, do dân vì dân thì làm sao một vài người dân tay không có thể lật đổ được. Đúng là chuyện hoang đường. Rõ ràng điều 79, là điều luật mù mờ, mơ hồ phi lý. Nếu không phải phi lý thì ai có thể chứng minh được cụ thể những người bị nhà cầm quyền bắt, họ có cái gì mà lật đổ được chính quyền ???

   Trừ khi một chính quyền thối nát, gồm những tên phản dân hại nước nắm quyền thì sợ sự thật, sợ những tiếng nói bất đồng chính kiến, sợ nhân dân nhận ra được bộ mặt thật ấy của kẻ cầm quyền bất chính, cái ác trơ trọi, đơn độc trước nhận thức của số đông nên mới áp đặt những điều luật mù mờ quy chụp những tiếng nói chân chính, đấu tranh cho công lý lẽ phải. Bởi những kẻ cầm quyền của chế độ chính là tội đồ của nhân dân chúng sợ sự thật, sợ lẽ phải, sợ công lý, đối lập với lợi ích của nhân dân nên chúng không bao giờ dám đối thoại với dân, nói rõ thế lực thù địch một cách cụ thể và thế lực thù địch ấy nói gì cho toàn dân nghe. Đó cũng chính là lý do nhà cầm quyền phải độc quyền thông tin, ngăn cản, đàn áp quyền tự do ngôn luận để hạn chế sự thức tỉnh của người dân.

   Tôi khẳng định những người bị bắt với những điều luật mù mờ, mơ hồ như điều 88, 258,79 của BLHS là những người vô tội, là những người có lương tri. Chính những kẻ cầm quyền và đám công cụ vô lương làm những điều trái với đạo lý, pháp lý của cuộc sống mới thực sự là tội phạm. Nên cứ mỗi khi xét xử những người bất đồng chính kiến nhà cầm quyền lại cho hệ thống truyền thông công nô lu loa, bôi nhọ mạ lị những người bất đồng chính kiến, cho an ninh dùng mọi thủ đoạn trái phép ngăn cản người thân, người dân đến phiên tòa. Họ quang minh chính đại thì tại sao không dám xét xử công khai theo quy định của pháp luật, xét xử lưu động để nâng cao ý thức và sự hiểu biết về luật pháp để người dân chấp hành pháp luật, hạn chế hành vi phạm tội trong xã hội.

Nói tóm lại, nhà cầm quyền áp đặt những điều luật như thế, làm những chuyện bất minh, đen tối như thế, sợ sự thật đến như thế đối với những người bất đồng chính kiến là cái sợ của kẻ ác bị cô lập. Sợ những việc làm đen tối bị đưa ra ánh sáng, sợ quyền lực không chính danh bị sụp đổ mà cái gốc của nó là sự sụp đổ của lòng người ! Bởi cái ác của quyền lực bất chính chỉ tồn tại được khi số đông không nhìn ra được cái gốc của tội ác.


   Tôi tin chắc không bao giờ nhà cầm quyền CSVN dám thực sự xét xử công khai những người bị quy chụp vào các điều luật nêu trên ! Vì sao, vì sợ số đông người dân bừng tỉnh !

Nguồn : 
https://www.facebook.com/manhhung.vu.566790/posts/762483313958245

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Kỷ niệm CM tháng 8 và 2/9: HÃY CHÔN “CHIẾC BẪY” XUỐNG ĐỊA NGỤC

Võ Thị Hảo

“Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: "Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?..."
(Theo hồi ký “Đèn cù” của Trần Đĩnh)

Những oan hồn tạo ra từ 70 năm nay trên con đường cách mạng ấy đã và đang rộn ràng hòa vào những đôi mắt sống của người dân. Những mắt ấy mở chong đêm ngày theo dõi và tính sổ những cuộc bội phản nhân dân, đợi ngày kết thúc cái chính thể phi tự nhiên ấy, tới một cuộc Đại Giải Oan cho nước Việt.

* Giết và giẫm đạp cả thi thể “Mẹ nuôi cách mạng”
Những chứng nhân của thời Cải cách ruộng đất hoặc những người đã đọc, đã nghe kể qua câu chuyện này thì không thể không bị ám ảnh về số phận đau thương của bà và hàng triệu người VN khác bởi chính sự phản trắc, sự tàn ác của chính những người đứng đầu đất nước và cán bộ đội cải cách thời đó. Không một lý do nào có thể biện minh cho những tội ác ấy.
Người ta vẫn phải nhắc đến người đàn bà ấy, gần 70 năm nay, từ ngày bà bị chính quyền cách mạng xử tử . Không năm nào không nhắc, nhất là mỗi khi đến dịp rầm rộ kỷ niệm cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2/9. Chuyện không thể cũ đi, vì nỗi oan chưa được giải và nguyên nhân của những cuộc oan mới ngày càng chồng chất trên đầu nhân dân VN.

Oan hồn của người đàn bà ấy, và hàng triệu người VN khác đương nhiên không thể không bay lượn trên bầu trời Ba Đình, chong triệu đôi mắt đợi ngày kết thúc của cái thể chế phản trắc ấy, bởi cái gì dối trá và đi ngược lại quyền lợi đất nước thì sẽ đến ngày tự hoại.

"Khi du kích đến đưa bà ta đi, bà ta đã cảm thấy có gì nên cứ lạy van "các anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh." Du kích quát: "đưa đi chỗ giam khác thôi, im!." Bà ta vừa quay người thì mấy loạt tiểu liên nổ ngay sát lưng…Mua áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: "Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?" Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy..."(Qua lời kể của Tiêu Lang, phóng viên báo Cứu quốc trong đội cải cách ruộng đất- Trần Đĩnh ghi)

Ngày ấy, Việt Minh cướp chính quyền thành công và có ngày Cách mạng tháng Tám 1945.
Bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu buôn Cát Hanh Long ngây ngất hạnh phúc vào ngày ấy. Lý tưởng giải phóng nô lệ, tự do dân chủ bình đẳng bác ái mà bà theo đuổi nay đã được Việt Minh hứa thực thi trên đất nước của bà.

Người đàn bà ấy đã “phóng xe nhà có cắm cờ đỏ sao vàng, từ Hải Phòng lên Thái Nguyên nơi quân Nhật còn chiếm đóng, đến tận Đình Cả Võ Nhai để báo tin cho con trai và đồng chí của mình tin Hà Nội đã giành được chính quyền”.
Tư liệu cho biết, bà được người Việt Minh tôn xưng là “Mẹ nuôi của cách mạng”, mẹ nuôi của Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ và Trường Chinh. Cái người đàn bà ngây thơ một lòng tin yêu cách mạng ấy đã cứu giúp rất nhiều đầu lĩnh cao cấp nhất của Việt Minh như , Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị …

Bà không biết rằng chính bà và nói đúng hơn là hầu hết dân VN, đã sập một cái bẫy lớn nhất, tàn bạo nhất, chỉ do đã quá ngây thơ tin vào những lừa mỵ. Bà đã đặt quá nhiều ảo tưởng vào một miếng mồi đặt sẵn trong bẫy.
Đó là miếng mồi được phun thứ nước hoa gây ảo giác về lý tưởng giải phóng dân tộc và xóa áp bức, nô lệ.

Dù bà có công lớn với Việt Minh bao nhiêu đi nữa, dù bà có là mẹ nuôi cách mạng, thì cửa bẫy cũng đã sập xuống. Thân xác bà không lâu sau sẽ tan nát bởi các con nuôi của chính bà – những người đã qua thời hàn vi, nay chững chạc đứng trong hàng nguyên thủ quốc gia hãm hại.

Bà Năm vốn là một người lam lũ làm lụng mà có tài kinh doanh. Bắt đầu từ buôn sắt vụn, bà dần tậu ruộng vườn, đồn điền và hiệu buôn.
Theo nhiều tư liệu để lại thì bà Năm đã làm theo lời ngon ngọt của Tổng Thư ký Hội nhà văn VN Nguyễn Đình Thi. Ông Thi cũng có được đức lớn như nhiều người cầm bút VN khác, là thành danh và lập nghiệp, vinh thân phì gia suốt đời bởi tài năng dẫn dụ kẻ khác bỏ tiền của ra và chết bỏ xác cho cách mạng, còn số phận của những người đã nghe theo ông thì ông phủi tay.

Bà Năm đã bỏ phần lớn tài sản ra để giúp đỡ nuôi nấng nhiều đoàn quân và và nhiều đầu lĩnh quyền lực nhất của Việt Minh trong đó có Hồ Chí Minh…

Đó là thời Việt Minh còn hàn vi trứng nước, bất cứ lúc nào cũng có thể chết đói hoặc bị bắt giam bởi quân chính phủ Pháp nên họ cần bà và những nhà địa chủ, tư sản, những trí thức nổi tiếng và họ cần xương máu của dân để lập nên ngai vàng cho họ.Thuở ấy, ngay cả việc mua vài khẩu súng thì Việt Minh cũng phải trông vào tài ăn nói để khuyến dụ dân bỏ vàng ra cho họ thông qua “Tuần lễ vàng” ….

Bà Năm là một trong những người đóng góp công của lớn nhất cho Cách mạng Tháng tám. Ngoài nhà cửa, lương thực vải vóc thóc gạo thuốc men vô kể, bà đã đóng góp tương đương 700 lạng vàng. Sau cách mạng 1945, bà cũng theo cách mạng tản cư lên Thái Nguyên, mua lại đồn điền của một ông Tây và tiếp tục dùng đồn điền, tiền bạc hỗ trợ kháng chiến. Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đơn vị bộ đội đã được che chở và nuôi nấng trong đồn điền của bà.
Khi chính phủ VNDCCH tổ chức Tuần lễ vàng, bà lại đóng góp hơn 100 lạng vàng. Khi thực hiện lệnh “tiêu thổ kháng chiến”, bà tự tay san bằng khu biệt thự Đồng Bẩm tại Thái Nguyên để hưởng ứng.

Người VN không lạ gì điển tích bát cơm Xiếu mẫu ngày xưa, Hàn Tín thuở hàn vi đói khát, gặp được bà Xiếu mẫu giặt sợi bên sông mang cho bát cơm ăn. Sau này hiển đạt, ông đã mời bà Xiếu mẫu đến để bái tạ, trả ơn cả ngàn lạng vàng.

Các cán bộ Việt Minh và cách mạng tháng 8 cùng quan chức VN sau này thì luôn làm ngược lại ông Hàn Tín và đức cư xử của người Việt. Họ ăn vô số bát cơm của bà Năm, mặc quần áo bà, ở nhà bà. Bà nuôi quân, bà cho tiền mua súng, nhưng họ trả ơn bằng cách chà đạp và giết bà cũng như giết nhiều ân nhân khác của cách mạng.

Vì bà chỉ có công, không có tội nên để giết bà, các con nuôi, bây giờ đã là chủ tịch, phó chủ tịch nước và toàn những chức danh thuộc hàng đứng đầu nước VNDCCH đã gán cho Mẹ nuôi tội “giả dối nhằm chui sâu leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại” và tội “tư sản địa chủ cường hào gian ác”.

Nhiều người đưa ra chứng cứ khẳng định rằng Hồ Chí Minh đã viết bài ““Địa chủ ác ghê” ký bút danh là C.B(của Bác) đăng trên báo Nhân dân ngày 21/7/1953. Chính bài báo này là đòn sấm sét, đổ cho bà tội “làm chết 23 gia đình gồm có 200 người…Giết chết 14 nông dân, tra tấn đánh đập hàng chục nông dân…, đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến…”.

Thuở các vị này còn phải sống nhờ vào “bát cơm Siếu mẫu” của bà, họ âu yếm gọi bà là Mẹ Nuôi. Khi cách mạng thành công, vài năm sau, chính quyền đã đủ lông đủ cánh, có Trung quốc tư vấn dạy dỗ và nuôi nấng, lại có cả mấy chục triệu dân đóng sưu thuế cung phụng, thì chính những đầu lĩnh đó đã ký lệnh đem bà ra đấu tố, lăng mạ bà. Bà bị họ phát động cho cả ngàn người đổ tội và chửi rủa, tịch thu hết tài sản.

Rồi bà bị bắn bằng một loạt đạn hèn hạ từ sau lưng.
Nhớ công ơn nuôi nấng của bà, các con nuôi ưu tiên cho Mẹ cho bà được xử chết đầu tiên để làm điểm tựa phát động “cuộc cách mạng long trời lở đất”.

Chưa đủ, họ còn cho đội cải cách ruộng đất nhảy lên giẫm đạp xác bà cho gẫy nát để lọt vào cỗ áo quan rẻ mạt. Hai con trai của bà, dù cũng đã tham gia cách mạng lập công lớn nhưng cũng bị đấu tố, dù còn sống sót nhưng cả đời cũng bị trù dập và suốt đời sống trong địa ngục vì nỗi oan khuất trút lên đầu cả dòng họ.

* “Người bịt râu”
Con bà Năm đội đơn gần 70 năm đi đòi công lý cho bà và gia đình nhưng tận đến bây giờ, dù đảng và nhà nước VN biết rõ, những tác giả gây ra tội ác ất chết từ lâu nhưng nhà cầm quyền hiện tại cũng không chịu trả lại công bằng cho gia đinh bà.

Để làm được cách mạng tháng 8 và xây dựng được thể chế cộng sản và vận hành nó, người ta phải có gan đem Mẹ nuôi cách mạng ra hành hạ, giết chết rồi giẫm đạp lên xác. Cũng phải có gan tráo trở đổ tội và giết hại bao đồng chí mình – những đồng chí đã vì lý tưởng mà đem của nhà, đem tri thức ra để xây dựng những chi bộ đầu tiên cho cách mạng, làm cái nôi nuôi nấng đưa Việt Minh, đưa kháng chiến đến thắng lợi?!

Để làm được cuộc cách mạng và thể chế cộng sản, họ cũng phải có gan đổ tội cho người vô tội, dám chửi bới nhục mạ cha mẹ theo số đông để sống sót hoặc để tiến thân. Họ phải đủ gan để “thà giết nhầm mười người còn hơn bỏ sót một địch” và đào tận gốc trốc tận rễ trí thức cùng những người tài giởi giàu có!

Theo hồi ký “Đèn cù “ của Trần Đĩnh thì lúc đó ông là phóng viên báo Nhân dân được Trường Chinh cử viết bài tường thuật về vụ đấu tố. Hồ Chí Minh đã ngụy trang bằng cách bịt râu, Trường Chinh thì đeo kính râm bí mật tới dự vụ đấu tố.

Đến khi sửa sai cải cách ruộng đất, oan án của bà Năm, dù những người có quyền lực nhất đều biết nhưng cũng không chịu làm chỉ vì họ không thể thừa nhận cái sai và tội ác của chính họ trực tiếp gây ra và tiếp tục che giấu.

Cải cách Ruộng đất đi kèm Chỉnh đốn Đảng là quà tặng mang tính “bom nguyên tử”, “bom chất độc” đầu tiên mà cách mạng đã giáng cho những ân nhân của họ và người dân VN. Bằng việc vu oan, cướp, tra khảo và giết, họ đã đem ruộng đất cướp được chia cho bần cố nông nhưng để cướp đoạt lại vĩnh viễn vào 3 năm sau đó – 1959 cho đến tận bây giờ dưới mỹ từ “sở hữu toàn dân”.

Từ 1959 đến nay, rồi qua và Hiến pháp 1980, Luật Hợp tác xã 1990, người VN bị tước đoạt quyền sở hữu ruộng đất, sống vật vờ hồn xác trên mảnh đất mình đổ mồ hôi xương máu. Riêng nông dân cũng phải gánh hơn một ngàn loại và lệ phí ngoài sưu cao thuế nặng để nuôi bộ máy tham nhũng một cổ ba tròng. Chưa đủ, họ hoàn toàn có thể bị chính quyền kết hợp với một lực lượng bạo quyền nào đó cướp đi bất cứ lúc nào và khi họ có phản ứng kêu oan thì sẽ bị đàn áp, bắt giam thậm chí đánh chết trong đồn công an và con cháu, anh em gia đình cũng bị trả thù thành không chốn nương thân.

* Hãy chôn chiếc bẫy xuống địa ngục vì đây là thế giới Người
Đó là thành quả Cách mạng Tháng Tám. Thành quả của một chính thể độc tài cộng sản. Đó chính là chiếc bẫy khổng lồ với bộ răng sắc nhọn trường tồn đã 70 năm trên đầu dân VN. Chiếc bẫy đó đã quy định đường ray vận hành cho nó: bất cứ ai lên cầm quyền cũng phải quay ra phản bội quyền lội nhân dân, đất nước và dân tộc để giữ ghế và quyền lợi riêng cùng phe nhóm.

Lẽ ra người VN đã có thể an lòng lắng dịu với những số phận đau thương do những chính sách và hành vi sai lầm của chính quyền cách mạng gây nên, nếu như những nhà cầm quyền thế hệ ấy và thế hệ sau biết cư xử công bằng, minh oan, đền bù cho họ và vận hành bộ máy cầm quyền theo đúng những điều họ đã hứa ban đầu khi hô hào dân nổi dậy giúp họ giành chính quyền.
Nhưng không, ngay cả thế hệ sau này không liên quan gì đến tội ác thời các thế hệ tiền bối đã làm nhưng họ cũng không sửa sai, lại tiếp tục lừa mỵ và phản trắc người dân

Người oan đã chết, thân xác họ đã tan hòa vào đất, nhưng nỗi oan và món nợ mà xã hội nợ họ thì tồn tại mãi mãi trong người sống. Nỗi oan đó chỉ lắng dịu đi khi xã hội giải oan cho họ bằng hành động, chứ không chỉ bằng lời nói.
Hãy chôn chiếc bẫy xuống địa ngục, vì đây là thế giới Người.

Và không chỉ dân đâu, chính những người có quyền lực đang hành ác hiện nay cũng cần thoát khỏi chiếc bẫy đó, vì chẳng quyền lực, địa vị, tiền bạc nào tồn tại được mãi mãi. Họ và con cháu họ cũng cần được trở lại làm người, sống trong tự trọng và bình an.

Võ Thị Hảo

IM LẶNG CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH VÀ QUYỀN KHIẾU KIỆN CỦA CÔNG DÂN

Ths. NGUYỄN HOÀNG ANH
Khoa Luật ĐHQG Hà Nội
"Im lặng có nghĩa là đồng ý". Câu ngạn ngữ này không phải bao giờ cũng đúng, đặc biệt trong quan hệ giữa người dân với cơ quan công quyền. Khi đó, im lặng của cơ quan hành chính thường đồng nghĩa với việc "làm ngơ", bỏ qua những kiến nghị của người dân. Đối mặt trước mối nguy đó, pháp luật nước ta đã có một số qui định cụ thể nhằm tấn công vào im lặng của cơ quan hành chính. Đó chính là quyền khiếu nại và khởi kiện vụ án hành chính -trong trường hợp sự im lặng -chối từ của cơ quan hành chính gây nên cho công dân. Tuy nhiên, liệu các qui định mới mẻ này có thực sự hữu hiệu trong việc bảo vệ quyền công dân trước cơ quan hành chính, nhất là đặt trong bối cảnh pháp lý và thực tiễn ở nước ta hiện nay.
1. Pháp luật hành chính và những qui định nhằm "tấn công" sự im lặng của cơ quan hành chính
Im lặng của cơ quan hành chính thể hiện ở hai cấp độ: thứ nhất, trong quản lý hành chính hàng ngày, khi công dân yêu cầu cơ quan hành chính thực hiện một quyền của mình nhưng cơ quan này không trả lời; thứ hai: trong khiếu nại hành chính, sau khi công dân đã gửi đơn khiếu nại nhưng cơ quan có thẩm quyền cũng không trả lời.
- Trường hợp thứ nhất: công dân có yêu cầu, kiến nghị thực hiện một quyền của mình, nhưng cơ quan hành chính không trả lời và cũng không thực hiện bất cứ hành vi gì nhằm phản hồi yêu cầu của công dân.
Ví dụ: ông A, gửi đơn và các giấy tờ cần thiết lên Sở Kế hoạch - Đầu tư của tỉnh để xin phép kinh doanh khách sạn, tuy nhiên chờ đến 6 tháng sau mà sở không cấp giấy phép và cũng không có thư trả lời hay giải thích gì.
Sự im lặng của cơ quan hành chính lúc này tương ứng với khái niệm "hành vi hành chính" trong pháp luật. Người dân hoàn toàn có thể phản ứng trước hành vi này bằng việc khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền. Theo qui định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, "cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính" ra Toà án Nhân dân theo qui định (Điều 2 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính 21/5/1996). Và Luật Khiếu nại tố cáo (ban hành lần đầu ngày 2/12/1998 bởi Quốc hội khoá X kỳ họp thứ tư) cũng như qui định quyền khiếu nại của người dân trong trường hợp này tại Điều 1. Hơn nữa trong văn bản này, khái niệm hành vi hành chính được định nghĩa rõ ràng: "Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo qui định của pháp luật" (khoản 11, Điều 2 Luật Khiếu nại tố cáo).
Đi sâu hơn, trong các văn bản hướng dẫn về xét xử hành chính, Tòa án Nhân dân Tối cao đều có giải thích cụ thể về khái niệm "hành vi hành chính". Đơn cử tại Công văn số 39/KHX ngày 6/7/1996 của Toà án Nhân dân về việc hướng dẫn thi hành một số qui định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có nêu rõ: hành vi hành chính có thể thể hiện dưới dạng thức là hành động hoặc không hành động. Dưới dạng không hành động, ví dụ được nêu ra là: khi công dân gửi đơn xin cấp giấy phép xây dựng đến cơ quan có thẩm quyền, quá thời hạn luật định mà vẫn không trả lời, người dân có quyền khởi kiện hành vi hành chính -dưới dạng không hành động đó, của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, sự im lặng của cơ quan hành chính trong giải quyết các yêu cầu kiến nghị hàng ngày của người dân - (hành chính quản lý) sẽ bị trừng phạt, thông qua quyền khiếu kiện của công dân chống lại chính sự im lặng đó.
- Trường hợp thứ hai: im lặng của cơ quan hành chính trong giải quyết khiếu nại của công dân.
Ví dụ: Không đồng ý với quyết định thu hồi đất của Chủ tịch UBND huyện N, bà C đã làm đơn khiếu nại quyết định này. Tuy nhiên quá thời hạn luật định (30 ngày theo qui định của Luật Khiếu nại tố cáo), Chủ tịch UBND huyện N, không giải quyết và cũng không hồi âm đơn khiếu nại của bà C.
Trong trường hợp này, cơ quan hành chính đã không thực hiện quyền -và cũng là nghĩa vụ giải quyết khiếu nại của mình. Khác với trường hợp im lặng trong hoạt động hành chính quản lý), thứ nhất, ở đây im lặng của cơ quan hành chính diễn ra trong khi thực hiện hoạt động tài phán hành chính. Thứ hai, sự im lặng trong giải quyết khiếu nại của công dân đã không bị phản ứng ngay từ những ngày đầu thành lập Toá án Hành chính. Bằng chứng là Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 đã không hề qui định về khả năng khởi kiện của công dân nếu sau khi khiếu nại, cơ quan hành chính không trả lời. Hai năm sau, Pháp lệnh Sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1998 mới qui định về quyền khởi kiện của công dân khi cơ quan hành chính giữ im lặng trước khiếu nại của mình tại Điều 2:
 "Cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các trường hợp sau đây:
a. Đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu theo qui định tại các Điều từ Điều 19 đến Điều 25 của Luật Khiếu nại tố cáo, nhưng hết thời hạn giải quyết theo qui định tại Điều 36 của Luật Khiếu nại tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết và cũng không tiếp tục khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo"
Và Điều 30 của Pháp lệnh nói trên cụ thể hơn một bước: "Người khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính phải làm đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo qui định của Luật Khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết...".
Tuy có muộn hơn nhưng cuối cùng, pháp luật cũng bảo đảm quyền khiếu kiện của công dân trong trường hợp im lặng của cơ quan hành chính.
Trường hợp thứ ba, khác với trường hợp đầu (im lặng trong hành chính quản lý); ở đây người dân không trực tiếp phán ứng vào im lặng của cơ quan hành chính: họ không khiếu kiện chống lại sự im lặng đó, mà sẽ đợi đủ thời hạn im lặng cần thiết, để tiếp tục khiếu kiện chống lại quyết định, hành vi hành chính ban đầu. Ở đây, im lặng của cơ quan giải quyết khiếu nại chỉ là một điều kiện để thực hiện quyền khởi kiện của công dân.
Tuy khác nhau nhưng trong cả hai trường hợp, những qui định pháp luật đều có ý nghĩa rất tích cực trong việc tấn công vào "thành trì" im lặng của cơ quan hành chính và bảo vệ quyền công dân. Im lặng của cơ quan hành chính từ đã được đánh giá là "yếu tố huỷ hoại tối đa quan hệ giữa công dân với công quyền". Hoặc nói như Brisson, một học giả người Pháp, im lặng của cơ quan hành chính là "một hình thức trốn tránh, chây ỳ một cách lừa lọc và đáng sợ nhất. Lừa lọc bởi với sự im lặng, cơ quan hành chính duy trì được tình thế bất hợp pháp một cách hết sức thuần tuý và giản đơn, bằng cách không đưa ra bất kỳ phán quyết gì về những lý lẽ xác đáng nêu trong đơn kiện. Đáng sợ bởi thái độ này đẩy người đi kiện đến chỗ hoàn toàn bất lực mà không hay biết rằng sự im lặng giấu đằng sau những khiếm khuyết trong quá trình giải quyết vụ việc".
Đây cũng là tình thế ở Việt Nam. Bằng sự im lặng trong hành chính quản lý, các quyền tích cực của công dân bị chối từ. Nếu cơ quan hành chính tiếp tục im lặng trong quá trình giải quyết khiếu nại, công lý hành chính khó đến được với người dân. Tuy nhiên, con đường này nhiều khi cũng bị chặn lại bởi chính thái độ của cơ quan hành chính.
Bởi lẽ đó, khi qui định quyền khiếu kiện của công dân trong các trường hợp im lặng của cơ quan hành chính, pháp luật nước ta đã trao cho người dân một vũ khí sắc bén để đương đầu với sức ỳ đáng sợ của cơ quan hành chính. Hơn nữa, qui định này đặt trong bối cảnh nước ta, là rất dũng cảm và có ý nghĩa tiên phong, bởi lý do như sau: với qui định về quyền khiếu kiện chống lại hành vi hành chính dưới dạng "không hành động", pháp luật đã mở rộng phạm vi đối tượng khiếu kiện hành chính của công dân. Người dân có quyền phản đối sự im lặng của cơ quan hành chính kể cả trong lĩnh vực hành chính quản lý cũng như hành chính tài phán. Nếu so sánh trong tương quan với pháp luật nước ngoài, cụ thể là Cộng hoà Pháp, qui định của pháp luật Việt Namcó tính tiên phong và mạnh bạo hơn nhiều. Tại Pháp, quyền khởi kiện chống lại sự im lặng của hành chính thoạt đầu chỉ được thừa nhận trong lĩnh vực tài phán; những qui định đầu tiên cho phép người dân khởi kiện chống lại sự im lặng của cơ quan hành chính bắt đầu từ 1864 (với đạo luật ngày 2/11/1864), và cũng chỉ giới hạn trong những vụ việc thuộc phạm vi giải quyết khiếu nại tiếp theo của Bộ trưởng. Mãi đến năm 1990 (với sự ra đời của đạo luật ngày 17/7/1900) pháp luật mới mở rộng cho phép người dân được khiếu nại chống lại sự im lặng của tất cả các cơ quan hành chính khác. Hơn nữa, cũng phải đến thời điểm này, qui tắc "im lặng = từ chối" và "từ chối = quyền khiếu kiện của công dân" - mới xuất hiện trong các lĩnh vực khác của hành chính quản lý. trong khi đó ở Việt Nam, đồng thời với việc trao cho Toà án Nhân dân thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính, pháp luật nước ta cũng trao quyền khởi kiện chống lại sự im lặng của hành chính cho người dân. Đáng kể hơn là phạm vi quyền này được mở rộng tối đa: người dân không chỉ phản ứng sự im lặng trong hành chính tài phán mà cả trong hành chính quản lý. Sự hiện diện của qui định này cùng có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh nền hành chính nước ta -vốn ra đời trong thời chiến và duy trì trong nền kinh tế tập trung bao cấp, rất nhiều lĩnh vực hành chính hãy còn là bí mật, với tác phong mệnh lệnh -phục tùng là chủ yếu và người dân hầu như không có thói quen đối mặt hay đòi hỏi sự phục vụ của cơ quan công quyền.
Qui định về quyền khiếu kiện chống lại sự im lặng của hành chính, vì vậy có ý nghĩa đặc biệt trong cải cách hoạt động của cơ quan hành chính, bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Bằng cách qui định mở rộng quyền này, pháp luật ViệtNam thể hiện quyết tâm tấn công vào sức ỳ của cơ quan hành chính nhà nước -lực cản cố hữu trong quan hệ hành chính -công dân ở nước ta. Tuy nhiên hiệu quả của qui định này chưa đạt được như mong muốn trong thực tiễn, do nhiều nguyên nhân khác nhau.
2. Tại sao qui định về quyền khiếu kiện chống lại sự im lặng hành chính không đạt được hiệu quả mong muốn?
Trong những năm qua, số vụ kiện hành chính không nhiều, nhất là trong tương quan với số vụ việc khiếu nại lên cơ quan hành chính. Trong số đó, số vụ kiện chống lại sự im lặng -bất hành động của cơ quan hành chính càng ít hơn. Theo báo cáo của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, tính đến năm 2005, hầu như chưa có vụ kiện hành chính chống lại bất hành động của cơ quan hành chính. Hạn chế của vấn đề không nằm ngoài hạn chế của khiếu kiện hành chính nói chung, đó là những bất cập do khung pháp lý, thể chế, các yếu tố văn hoá truyền thống mang lại. Ngoài ra, có những yếu tố đặc thù cản trở việc thực thi qui định này. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin nêu ra những yếu tố, theo đánh giá chủ quan của mình, là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự kém hiệu quả của qui định về khiếu kiện chống lại sự im lặng của cơ quan hành chính trong thực tiễn.
- Thứ nhất, do những "lỗ hổng" nằm ngay trong hệ thống pháp luật. Để có thể "cáo buộc" được sự  im lặng của cơ quan hành chính, người ta cần đợi đủ một thời hạn xác định. Ví dụ: khi người dân xin cấp giấy phép, nếu quá thời hạn cấp giấy phép theo luật định mà cơ quan hành chính không trả lời, lúc này mới có thể coi đây là "hành vi hành chính" theo kiểu bất hành động, và người dân có thể khiếu kiện tiếp lên. Như vậy, để quy kết được sự im lặng của hành chính, thời hạn giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhất thiết phải được qui định trong luật, và hơn nữa cần qui định một cách nhất quán. Trong trường hợp ngược lại, sẽ là không thể xác định im lặng của cơ quan hành chính, từ đó để thực hiện quyền khiếu kiện của công dân. Tuy nhiên khả năng này không phải là không tồn tại trong pháp luật nước ta. Thoát thai từ nền hành chính non trẻ, với những qui định mệnh lệnh và bí mật của thời chiến, pháp luật hành chính ít chú trọng tới quy định về thủ tục và thời hiệu. Đơn cử một ví dụ, trong đó sự im lặng của cơ quan hành chính được phiên dịch thiếu nhất quán, khi là đồng ý khi lại là phủ nhận: lĩnh vực cấp phép kinh doanh ngành nghề nhạy cảm tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh. Trên thực tế, thành phố đã giao cho các quận, huyện quy hoạch khu vực được phép kinh doanh. Và do vậy trước khi cấp phép kinh doanh những ngành nghề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào quy hoạch của quận. Tuy nhiên, "do nhiều nơi không báo nên sở cũng không biết. Mà cho dù quận có báo thì sở vẫn phải hỏi. Bởi hiện thành phố có đến hai văn bản hoàn toàn "chọi" nhau: một công văn nói: nếu hỏi quận mà sau năm ngày không trả lời thi sở vẫn có quyền cấp giấy chứng nhạn đăng ký kinh doanh; một lại bảo: nếu hỏi quận mà sau năm ngày không được trả lời thì không được cấp. Vì vậy, sở cũng không biết nghe ai, đành phải chờ quận trả lời rồi mới quyết định cấp hay không. Do đó dẫn đến nhiều trường hợp bị trễ hạn không đúng như quy định.
- Thứ hai, khó khăn đến từ thực tiễn. Từ văn bản đã không rõ ràng, đến thực tiễn lại càng khó xác định. Tác phong làm việc luộm thuộm, không khoa học và đôi khi là tắc trách ở nhiều cơ quan hành chính khiến việc tính thời gian để xác định sự im lặng của cơ quan hành chính trở nên khó khăn, ngay cả khi thời hạn giải quyết vụ việc đã được quy định trong văn bản. Ví dụ: khi tiếp nhận đơn thư hay yêu cầu trực tiếp của người dân, cơ quan hành chính không biên nhận ngày nhận đơn, quên vào sổ hay để thất lạc, nhất là trong quá trình trung chuyển... hoặc có khi nhân viên từ chối giải quyết vụ việc ngay lập tức nhưng không ra văn bản mà chỉ nói miệng trước người dân. Trong trường hợp này, thật khó cho người dân khi tính thời hạn để khiếu kiện sự im lặng của cơ quan hành chính, bởi lẽ mốc thời gian đánh dấu thời điểm yêu cầu, kiến nghị của họ gửi đến công quyền không xác định được. Đứng trước cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện, họ hoàn toàn bị tước vũ khí bởi không chứng minh được thời điểm xác lập yêu cầu của mình. Xin dẫn lời một thẩm phán hành chính: "nguyên nhân khác tưởng nhỏ nhưng cũng làm "lọt" các vụ án hành chính: nhiều cơ quan nhận đơn kkhông ghi biên nhận hoặc từ chối nhận đơn khiếu nại lần đầu mà không ra văn bản. Điều này đã tước mất hoặc hạn chế quyền khởi kiện ra Tòa Hành chính của đương sự. Bởi khi đến Tòa, họ không có giấy tờ gì chứng minh mình đã khiếu nại trước khi khởi kiện như luật định".
Khắc phục khó khăn này, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo năm 2006 có quy định "trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình... người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết; trường hợp không thụ lý để giải quyết thì phải nêu lý do" (Điều 34 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo năm 2006). Quy định trên, dẫu khá tiến bộ về mặt lý thuyết, nhưng cũng chỉ áp dụng trong trường hợp im lặng của cơ quan hành chính trong quá trình giải quyết khiếu nại chứ không phải trong việc giải quyết các yêu cầu, xin phép khác của người dân. Điều đó có nghĩa là trong hành chính quản lý, những khó khăn của việc tính thời hạn trong trường hợp im lặng của cơ quan hành chính vẫn còn.
- Thứ ba, riêng trong tài phán hành chính, khả năng khởi kiện tiếp sau khi có sự im lặng của cơ quan giải quyết khiếu nại vẫn còn bị hạn chế bởi ngay chính một số quy định của pháp luật tố tụng hành chính.
Như trên đã nêu, kể từ 1998, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính mở thêm khả năng cho người dân khởi kiện vụ án hành chính trong trường hợp im lặng của cơ quan giải quyết khiếu nại. Pháp lệnh sửa đổi bổ sung năm 2006 giữ nguyên quy định này. Tuy nhiên vẫn còn một số lĩnh vực, trong đó theo văn bản này, quyền khởi kiện của người dân trong trường hợp im lặng của cơ quan giải quyết khiếu nại, bị hạn chế. Đó là các trường hợp người dân khiếu kiện chống lại các quyết định trong các lĩnh vực sau:
Thứ nhất, quyết định kỷ luật buộc thôi việc cán bộ, công chức;
Thứ hai, các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai;
Thứ ba, về việc lập danh sách cử tri;
Thứ tư, quyết định khen thưởng, kỷ luật luật sư;
Thứ năm, quyết định xử lý các vụ việc cạnh tranh.
(Điều 30 khoản 2 mục c, d, đ, e và g Pháp lệnh Sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, ngày 18/4/2006).
Sự hạn chế quyền khởi kiện của người dân thể hiện ở chỗ: để có thể khởi kiện các vụ việc trên ra Tòa, pháp luật quy định bắt buộc phải có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu! Nếu thiếu quyết định của cơ quan giải quyết khiếu nại lần đầu, Tòa án sẽ từ chối thụ lý vụ án! Nói cách khác, với 5 loại việc này, Tòa không thể xử một khi cơ quan hành chính cố tình trây ỳ không lên tiếng. Im lặng của cơ quan hành chính, đến lúc này trở thành vật cản cho quyền khiếu kiện của người dân.
Đặc biệt như một tác giả đã lưu ý, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng trong đó cơ quan hành chính lợi dụng quy định này để trốn tránh bị kiện ra Tòa: "Trên thực tế không có sự ràng buộc nào để các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm phải trả lời cho người khiếu nại. Các cơ quan, cá nhân này liệu có tích cực trong việc trả lời khiếu nại của công dân không khi đã biết rằng văn bản trả lời của mình là điều kiện sống còn để công dân khởi kiện được trước Tòa án".
Đáng chú ý là Pháp lệnh 2006 đã tăng thêm số vụ việc đòi hỏi phải có quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính. (Pháp lệnh sửa đổi năm 1998 chỉ quy định trường hợp duy nhất để kiện ra Tòa mà cần có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu là đối với vụ việc liên quan đến quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cán bộ, công chức). Quy định của Pháp lệnh 2006 vì vậy cũng mâu thuẫn với Luật Khiếu nại tố cáo, bởi Luật Khiếu nại tố cáo hiện hành cũng chỉ quy định trường hợp duy nhất nói trên đòi hỏi có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu! Hơn nữa nếu xét trong tổng thể các loại việc khác mà người dân có thể kiện ra Tòa, chúng ta thấy một sự mất đồng bộ nghiêm trọng: khi mà đối với các vụ việc còn lại, người dân có thể kiện ra Tòa ngay cả khi cơ quan hành chính giữ im lặng thì 5 vụ việc trên lại là không thể.
Cũng có thể suy luận rằng năm loại việc nói trên là những lĩnh vực đặc thù, nơi mà sự can thiệp của Tòa án cần lùi bước để cơ quan hành chính thực hiện quyền tự chủ của mình! Tuy nhiên theo chúng tôi, đặc quyền hành chính có thể là cần thiết cho những mục tiêu hay những thời điểm nhất định, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cắt giảm quyền chính đáng của người dân: được yêu cầu cơ quan tư pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Cuối cùng, im lặng của cơ quan hành chính trong quá trình xét xử vụ án hành chính vẫn chưa được "tấn công" đến cùng trong pháp luật nước ta. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, nhiều khi cơ quan hành chính - với tư cách là người bị kiện, tiếp tục giữ thái độ im lặng - bất hợp tác, ví dụ: không chịu trình diện trước Tòa, không gửi cho Tòa ý kiến bằng văn bản về đơn kiện và các tài liệu khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án mặc dù đây là nghĩa vụ bắt buộc theo quy định của pháp luật. Sự bất hợp tác này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết vụ án; bởi lẽ xử án hành chính không đơn thuần dựa trên tình tiết thực tề mà phần nhiều phải dựa trên các văn bản pháp quy - căn cứ ban hành này rất dồi dào, hay biến động, nhiều khi rất khó nắm bắt hết. Nếu Tòa án phải tự mình điều tra và nghiên cứu các tư liệu đó sẽ mất rất nhiều thời gian. Quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính cung cấp tư liệu và ý kiến nhằm mục đích để việc giải quyết án hành chính nhanh gọn và hiệu quả. Vậy mà trong pháp luật không có chế tài để trừng phạt sự im lặng của cơ quan hành chính trong trường hợp này.
Có thể học tập kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp: nếu cơ quan hành chính không chịu cho ý kiến hay xuất trình tài liệu liên quan đến giải quyết vụ án, sự im lặng này sẽ đồng nghĩa với việc chấp nhận tất cả những lý lẽ chống đối mà người đi kiện nêu ra trong đơn. "Im lặng của cơ quan hành chính lúc này không đương nhiên đồng nghĩa với việc người đi kiện dành phần thắng. Tuy nhiên tòa hoàn toàn có thể đòi hỏi các ý kiến và tư liệu từ phía cơ quan hành chính và cũng hoàn toàn có thể rút ra kết luận cho mình về thái đô bất hợp tác của cơ quan hành chính trong trường hợp này".
Tóm lại, quy định quyền khiếu kiện của người dân trong các trường hợp im lặng của cơ quan hành chính có ý nghĩa tích cực trong việc cải thiện mối quan hệ giữa công dân với công quyền. Tuy vậy, để quy định này thực sự trở thành vũ khí hữu hiệu để tấn công vào "sức ỳ" của hành chính và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cần phải có những cải cách cả trên bình diện pháp luật và thực tiễn. Về mặt pháp luật, trước tiên cần quy định chặt chẽ và thống nhất về thời hạn giải quyết công việc trong tất cả các lĩnh vực hành chính, để có căn cứ xác định im lặng của cơ quan hành chính - sự im lặng mà người dân có thể tấn công. Bên cạnh đó có thể xây dựng một quy định mang tính dự phòng trong Luật về thủ tục hành chính: nếu trong các văn bản pháp luật ở các lĩnh vực cụ thể không có quy định thời hạn thì quá một thời hạn nhất định, theo quy định chung, sự im lặng của cơ quan hành chính sau khi nhận được yêu cầu của người dân, sẽ bị coi là từ chối và bị khiếu kiện ra Tòa hay ra cơ quan hành chính có thẩm quyền. Như vậy, sẽ tăng cường khả năng "bắt lỗi" cơ quan hành chính trong trường hợp trây ỳ, và vì vậy, nâng cao trách nhiệm của cơ quan này trong giải quyết công việc của người dân. Cuối cùng, như trên đã bàn, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan hành chính nếu im lặng, bất hợp tác với Tòa trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
Để tránh trường hợp tranh cãi về thời điểm cơ quan hành chính tiếp nhận đơn từ của dân, trong Luật về thủ tục hành chính cũng cần có quy định về thủ tục bắt buộc khi tiếp nhận đơn từ của người dân: trừ trường hợp đơn từ gửi bằng đường bưu điện (khi có thời điểm nhận được xác định rõ ràng), còn lại công chức khi nhận đơn hoặc nghe yêu cầu của dân, phải lập thành giấy biên nhận và giao cho người dân giữ một bản. Làm như vậy sẽ tránh đi những vướng mắc không đáng có trong việc tính thời hạn khiếu nại, khởi kiện của người dân. Và cuối cùng, để quy định về khiếu kiện trong trường hợp im lặng của cơ quan hành chính có hiệu quả, cũng cần cải cách về ý thức và thái độ phục vụ của cơ quan hành chính - một vấn đề tưởng chừng như muôn thuở. Đó và việc nâng cao trách nhiệm phục vụ của mỗi cán bộ, công chức trong hành chính hành chính, đặc biệt là trong giao tiếp với người dân./.