Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

TẠI SAO CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM THÁNG 5,2016 KHINH THƯỜNG SỰ THÔNG MINH CỦA DÂN VIỆT

Tại sao cuộc bầu cử Quốc Hội Việt Nam tháng 5, 2016 khinh thường sự thông minh của dân Việt

                                                                                                    LS Đào Tăng Dực

I.                  Thế nào là một chính thể yêu nước thương dân:

Một chính thể yêu nước thương dân trước hết phải kính trọng người dân. Kính trọng người dân có nghĩa là kính trọng trí tuệ và sự thông minh của họ. Các chính quyền cộng sản phát xuất từ giáo điều của Lê Nin. Lê Nin là một trí thức người Nga trong giai đoạn nước Nga thoát thai từ chế độ Nga Sa Hoàng và dân Nga chỉ là những nông nô thấp hèn. Lê Nin làm cách mạng nhưng luôn mang trong tâm thức một sự khinh bỉ sâu xa trí tuệ của giới vô sản vốn là hậu thân của những nông nô đó.
Đảng CSVN thừa hưởng sự khinh bỉ trí tuệ của dân Việt qua các mánh khóe rẻ tiền liên hệ đến các cuộc bầu cử như sau.

II.               Tại sao CSVN phải bầu quốc hội tháng 5, 2016?

Khía cạnh hiến pháp:

Trước hết hiến pháp quy định nhiệm kỳ quốc hội là 5 năm. Tức năm 2016 phải bầu lại.

Điều 71  

“1. Nhiệm kỳ của mỗi khoá Quốc hội là năm năm.
2. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong.

3. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá mười hai tháng, trừ trường hợp cóchiến tranh.”

Sau đó, điều 27 cũng xác định quyền bầu cử và ứng cử của mọi công dân như sau:

Điều 27

Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.



III.           Tại sao các nhà đấu tranh dân chủ cần phải ứng cử vào quốc hội?


Nếu các nhà đấu tranh dân chủ muốn có tiếng nói trong cơ quan quyền lực cao nhất tại Việt Nam thì phải ứng cử vào quốc hội.
Tuy trên thực chất, Việt Nam là một chế độ độc tài đảng trị, nhưng trên nguyên tắc, qua hiến pháp 2013 cũng như những hiến pháp cộng sản trước đó, thì bản chất chế độ chính trị là quốc hội chế hoặc đại nghị chế.
Tức là sự tối cao của quốc hội. Tương tự như Anh Quốc, Ấn Độ, Canada, Úc và Tân Tây Lan.
Quốc hội là tối cao. Chính vì thế, điều 70 (7) của HP ghi rõ quyền hạn của QH như sau:
“7. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.
Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp;”

Có nghĩa là theo đúng quốc hội chế, từ quốc hội (vốn là lập pháp) sẽ nảy sanh ra hành pháp (chủ tịch nước, thủ tướng) và tư pháp (chánh án tòa án nhân dân tối cao). Có nghĩa là trong quốc hội chế, không có tam quyền phân lập (separation of powers) khắc khe theo Montesquieu (như tại Hoa Kỳ và các quốc gia theo tổng thống chế).

Để bù những khuyết điểm này, thì quốc hội chế có 2 khía cạnh bảo đảm dân chủ thực sự:
1.     Đảng nắm đa số và thành lập chính phủ luôn bị sự hiện diện của một chính phủ đối lập chính thức trong quốc hội đối trọng
2.     Tư pháp như tối cao pháp viện tuy được quốc hội bổ nhiệm nhưng một khi các vị thẩm phán được bổ nhiệm thì nhiệm kỳ không giới hạn, trừ tuổi tác và sự kiện không còn khả năng trí tuệ mà thôi. Điều này bảo đảm tính độc lập tuyệt đối của tư pháp.

Đảng CSVN không cho phép sự hiện hữu của đối lập trong quốc hội và giới hạn nhiệm kỳ của các thẩm phán cũng như tính đảng của họ. Chính vì thế không có dân chủ và cũng không có tư pháp độc lập.



IV.           Thủ thuật lừa gạt thứ nhất là CSVN cố tình không chấp nhận một định chế tư pháp độc lập để phán quyết tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật của lập pháp (legislation) , hoặc một tác động của hành pháp (executive action) hoặc của bất cứ một đệ tam nhân nào.


Tuy nhiên, khuyết điểm lớn nhất của HP Việt Nam là sự hoàn toàn vắng bóng của một định chế độc lập (independent institution) để phán quyết về tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật của lập pháp hoặc một tác động của hành pháp. Các quốc gia dân chủ chân chính, dù quốc hội chế hay tổng thống chế hoặc mô thức dung hợp giữa hai, đều có một Tối Cao Pháp Viện (Supreme Court) với thẩm quyền nguyên thủy (original jurisdiction) hoặc Tòa Án Hiến Pháp (Constituional Court) hầu phán quyết về tính hợp hiến hoặc vi hiến của một sắc luật của lập pháp (legislation) hoặc tác động của hành pháp (executive action).


Thay vì một định chế độc lập thì điều 74 HP lại trao cho chính Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội trách nhiệm xét tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật hoặc một tác động của hành pháp. Trách nhiệm này cũng được chia xẻ ở mức độ giới hạn hơn cho thủ tướng. Và sau cùng, để cho tình trạng trở nên hỗn loạn hơn, điều 119 của HP ghi:

“Cơ chế bảo vệ hiến pháp do luật định”

Cho tới bây giờ, đã hơn 2 năm, chưa thấy có cơ chế nào ra đời cả.

Điều này có hâu quả rất nghiêm trọng cho tính thiếu dân chủ của toàn bộ hiến pháp vì phe nhóm đang nắm quyền sẽ có quyền lực vô giới hạn, vượt ra ngoài sự kềm tỏa của hiến pháp và đứng trên hiến pháp như đảng CSVN bây giờ.


V.               Thủ thuật lừa gạt thứ nhì là Luật bầu cử Đại Biểu Quốc Hội 1997

Sự hỗn loạn hiến pháp cố ý, và sự vắng bóng của một định chế độc lập về tính hợp hiến hoặc vi hiến của các sắc luật và tác động của hành pháp, đã cho phép Quốc Hội bù nhìn của đảng CSVN thông qua Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội 1997 (được tu chính năm 2001), nhất là từ các điều khoản 28 đến 49, cho phép Mặt Trận Tổ Quốc (một ngoại vi của đảng CSVN) độc quyền và quyền bất kháng để chọn ứng cử viên tranh cử. Qua Mặt Trận Tổ Quốc, đảng CSVN quyết định người nào được cho phép tranh cử vào Quốc Hội, qua mặt tất cả các quyền tự do được hiến pháp khắc ghi, nhất là điều 27 về quyền tự do bầu cử và ứng cử. Nếu có sự hiện hữu của một Tòa Án Hiến Pháp hoặc một Tòa Án Tối Cao với thẩm quyền đúng nghĩa, thì một sắc luật như thế đã bị tuyên bố là vi hiến và vô hiệu lực.
Các điều từ 28 đến 49 rõ ràng vi hiến vì trao cho một ngoại vi của đảng CSVN là Mặt Trận Tổ Quốc quyền chọn lựa và giới hạn số người ra tranh cử, vi phạm nghiêm trọng đều 27 của HP.
Lý do đơn giản là vì một nguyên tắc căn bản của luật hiến pháp là một sắc luật của lập pháp, để khai triển một điều khoản của hiến pháp, chỉ có thể tạo điều kiện phát huy tinh thần của hiến pháp, không thể đi ngược hoặc vi phạm tinh thần của hiến pháp.
Các điều 28 đến 49 của Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội rõ ràng tước đoạt quyền ứng cử của công dân Việt Nam và giới hạn quyền này trong phạm vi của các đảng viên CSVN hoặc một số nhỏ tay sai của đảng. Như thế là vi phạm tinh thần của điều 27 hiến pháp và vi hiến tức vô hiệu lực.


VI.           Thủ thuật lừa gạt thứ ba là tiến trình chọn lựa và loại bỏ số ứng cử viên gọi là “hiệp thương”.

Luật bầu cử quốc hội quy định Mặt Trận Tổ Quốc sẽ chọn ứng cử viên qua 3 giại đoạn thương thuyết gọi là “hiệp thương”.
Giai đoạn 1 là giai đoạn khởi đầu trong đó Ùy Ban Thường Vụ Quốc Hội đưa ra dự kiến số ứng cử viên tổng số, số ghế dân biểu dự kiến nhiệm kỳ này và bao nhiêu người đến từ các thành phần nào của xã hội (như thành phần và số lượng đại biểu mà các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương hay địa phương giới thiệu, tiến cử.). Lần này UBTV dự kiến 896 ứng cử viên, trong đó sẽ có khoảng 25 đến 50 ứng viên độc lập. MTTQ sẽ tham khảo và thương thuyết với UBTV để thống nhất nhất đợt 1.
Giai đoạn 2 là giai đoạn liên hệ nhiều đến các ứng cử viên độc lập và cũng có mục đích loại bỏ họ ra khỏi danh sách. Trong giai đoạn này, qua các hội nghị cử tri gồm từ 50 đến 100 người, các ứng cử viên được nhà nước hoặc các cơ quan giới thiệu sẽ được “ưu ái” hoặc “nhẹ tay” và các ứng cử viên độc lập sẽ bị “đấu tố” dữ dội. Đảng CSVN thường gài các “cử tri” của mình vào các hội nghị cử tri này hoặc luân phiên các nhóm cử tri này từ địa phương đến địa phương để đấu tố các ứng cử viên độc lập.
Giai đoạn 3 là giai đoạn không có sự hiện diện của các ứng cử viên độc lập. Chỉ có đại diện các thực thể sau đây:
a.      MTTQ trung ương và các cấp liên hệ
b.     Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cấp liên hệ
c.      UBTVQH
d.     Chính phủ
e.      Thường trực hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tỉnh
Tham khảo và thảo luận với nhau để hoàn tất danh sách lần chót những người ứng cử ĐBQH.
Cho đến hôm nay, tôi tổng kết số nhân sĩ tranh cử độc lập như sau:
TS Nguyễn Quang A
LS Lê Văn Luân
LS Võ An Đôn
NV Phạm Văn Thành
Blogger Nguyễn Tường Thụy
KS Hoàng Cường
Blogger Đặng Bích Phượng
Bà Nguyễn Thúy Hạnh
Ô Nguyễn Đình Hà


VII.        Kết luận:

Qua những thủ thuật nêu trên đảng CSVN bảo đảm rằng, những ứng viên độc lập rất khó được vào danh sách ứng cử. Nếu vào được sẽ rất khó đắc cử. Nếu đắc cử sẽ chẳng làm được gì, vì đa số áp đảo sẽ là đảng viên đảng CSVN trong quốc hội.

Dân tộc Việt Nam có một nền văn hiến sâu dày, không phải chờ đến cuộc cách mạng tin học mới trở nên thông minh. Khinh thường trí thông minh của người dân qua những thủ thuật rẻ tiền như thế là một sai lầm chiến lược của đảng. Những thủ thuật lừa gạt như thế không che mắt được ai và đảng CSVN chắc chắn đang đi nhanh vào hoàng hôn của lịch sử đảng, hầu dân tộc Việt có thể đi lên.

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

QUÀ " ĐẶC BIỆT" SAU ĐẠI HỘI: MỖI CẢNH SÁT GIAO LÀ MỘT "BỘ TRƯỞNG"?

QUÀ " ĐẶC BIỆT" SAU ĐẠI HỘI: MỖI CẢNH SÁT GIAO LÀ MỘT "BỘ TRƯỞNG"?

QUÀ " ĐẶC BIỆT" SAU ĐẠI HỘI: MỖI CẢNH SÁT GIAO LÀ MỘT "BỘ TRƯỞNG"?

                                                                                                                              Võ Thị Hảo

Chúng ta thường thấy những cảnh báo trước tai họa, vì con người vốn chẳng mù lòa. Nhưng cảnh báo không đủ mạnh để cứu được con người chỉ do sự thờ ơ, sự hãi khiếp, sự nô lệ để cầu lợi của đám đông đã khiến những cảnh báo đó bị nhấn chìm trong những dàn đồng ca nô lệ và thảm họa cứ thế lao tới.

“Việt Nam dân chủ đến thế này là cùng”!

Đó là lời tự khen của ông Tổng Bí thư mới mà cũ Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp báo về kết quả sau Đại hội Đảng 12.

Ông là người được không chỉ dân VN mà toàn thế giới phải chú ý vì „chiến tích“ đàn áp nhân quyền qua sự dẫn dắt của ông trong 10 năm qua. Dư luận cũng đưa ra nhiều chứng cứ rằng, qua sự „đồng thuận lâu dài“ cho TQ lấn chiếm biển đảo VN, ông đã được một thế lực lớn và đen tối chống lưng, tạo ra một đại hội Đảng đứng đầu về „chiến tích“ áp đặt, vi hiến và vi phạm điều lệ Đảng để ông tái giữ ngôi vị Tổng bí thư Đảng CSVN, trong khi Điều 17 Điều lệ Đảng quy định: “đồng chí Tổng Bí thư không giữ chức vụ Tổng Bí thư quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”.

Hiện nay các „mâm cỗ“ đã chia xong, nồi niêu đũa bát và thức ăn cho các ngôi vị đã rành rọt đâu đó và những bữa cỗ xa hoa vô độ bằng mồ hôi nước mắt của dân vẫn tiếp tục dựa vào nồi cơm „“định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Mác Lê- nin“ mà loài người đã ghê sợ vứt vào sọt rác.

Mặc dù cách này đã cướp đoạt hết tất cả những cơ hội phát triển của VN nhưng người VN không thể bối rối, im lặng coi đó như chuyện đã rồi, để rồi tiếp tục vô cảm, tiếp tục bào chữa cho lỗi của mình trong việc cứ để mặc mọi chuyện và vờ vịt „không quan tâm đến chính trị“ để che giấu, an ủi cho sự đớn hèn của mình.

Người VN cũng không thể tiếp tục tuyệt vọng để mặc cho mình là những „hình nộm“, „xác sống“ phiêu dạt trong một đất nước lạc hậu so với những nước phát triển cả gần trăm năm. Theo dõi, giám sát chính trị, bày tỏ yêu cầu và nguyện vọng chính đáng, phản đối sự vi phạm nhân quyền và dân chủ, quan tâm đến quyền lợi chính đáng của đồng bào là nghĩa vụ tối thiểu của công dân.

Không bao giờ là quá muộn

Không bao giờ là quá muộn khi nhìn lại hiện trạng và bài học của Đại hội Đảng 12 vừa qua để đề phòng. Cũng như không bao giờ là cũ, khi ngày ngày thế giới vẫn phải nghiên cứu và đưa ra những kinh nghiệm, những bài học, những cảnh báo cho người sau về thể chế và tội ác chống lại loài người của những trùm diệt chủng như Mao Trạch Đông, Stalin, Hitle…

Chúng ta thường thấy những cảnh báo trước tai họa, vì con người vốn chẳng mù lòa. Nhưng cảnh báo không đủ mạnh để cứu được con người chỉ do sự thờ ơ, sự hãi khiếp, sự nô lệ để cầu lợi của đám đông đã khiến những cảnh báo đó bị nhấn chìm trong những dàn đồng ca nô lệ và thảm họa cứ thế lao tới.

Cảnh báo về sự mất dân chủ và vi hiến trong Đảng, trước đại hội Đảng 12, trang Truongtansang.net của Chủ tịch nước, trang Nguyentandung.org của Thủ tướng đã đăng ý kiến xác đáng của ông Nguyễn Thu Giang, nguyên Phó GĐ Sở Tư pháp TP. HCM trong bài „Góp ý „Quy chế bầu cử ứng cử tại Đại hội 12 ĐCSVN theo Quyết định 224-QĐ/TW“(đăng ngày 08/06/2015).

Bài viết nêu rõ: „Đảng là luật tối cao đảm bảo tính nghiêm minh, dân chủ của Đảng, nhưng chính Điều 13, 14, 17, 19 của quyết định 224/QĐ/TW đã thu hẹp dân chủ, tăng cường tính tập trung đến mức vi phạm quyền tự do bầu cử, ứng cử của „công dân đảng viên“ mà quyền này là quyền tự do sơ đẳng mà Đảng đã quy định từ khi mới thành lập.“. „Không thể nói khác hơn: Dân chủ trong Đảng đã bị quyết định 224/QĐ/TW thủ tiêu thay bằng độc đoán, chuyên quyền vi phạm Điều lệ Đảng“.

Dưới sự im lặng của hơn ngàn rưỡi đại biểu – đảng viên mà lẽ ra nhiệm vụ tối thiểu của họ là phải bảo vệ điều lệ Đảng – sự áp đặt đã thắng thế.

Và tuyên bố đầu tiên của ông Tổng Bí thư vừa chà đạp lên điều lệ Đảng ấy lại thêm một lần giày xéo lên sự thật vừa xẩy ra dưới bàn tay đạo diễn của chính ông: „mặc dù là độc Đảng nhưng VN dân chủ hơn hẳn một số quốc gia „nhân danh là dân chủ nhưng cá nhân quyết định tất“. Đứng đầu mà độc đoán chuyên quyền, như thế có gọi là dân chủ không? Chả tiện nói một số nước, nhung cứ nhân danh dân chủ nhưng cá nhân quyết định tất“.!

Hệ quả: một thông tư „cưỡng đoạt“

Ban lãnh đạo mới lên ngôi.

Và món quà xuân đầu tiên mà họ tặng cho người dân VN là một không khí hãi hùng. Thông tư 01/2016 của Bộ công an, có hiệu lực vào 15/2 này sẽ khiến cho kỳ công dân nào đang đi trên đường cũng có thể bị khám xét, tước đoạt từ phương tiện giao thông đến những vật dụng mang theo người bởi bất kỳ cảnh sát giao thông nào dưới danh nghĩa „trưng dụng“!

Trong khi đó, quyền này, theo quy định của luật Trung thu trưng mua 2008 hiện hành, chỉ có thể dùng khi khẩn cấp vì lý do an ninh quốc phòng và chỉ cấp Bộ trưởng công an hoặc Chủ tịch tỉnh ra văn bản quyết định.

Nhưng khi thông tư 01/2016 có hiệu lực, cả nước có bao nhiêu ngàn cảnh sát giao thông(CSGT) thì sẽ có từng đó ngàn „ông trời con“, thậm chí quyền thực tế trong việc trưng dụng của họ còn cao hơn Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh. CSGT có thể tước đoạt phương tiện và tài sản của người dân bất kỳ khi nào họ muốn, vì ở vị trí của họ, họ chỉ có thể ra lệnh miệng và trưng dụng ngay lập tức bằng vũ lực, không thể và không cần ra văn bản!

Mặc dù trong thông tư có một câu “theo quy định của pháp luật“, nhưng ai cũng biết rằng câu này không có tác dụng, bởi chính thông tư này đã là một trong những hành động làm trái pháp luật hết sức nguy hại nếu nó không được hủy ngay trước khi có hiệu lực.

Đây là hành động vi phạm nhân quyền, vi phạm Luật trưng thu trưng mua năm 2008 và Hiến pháp VN ở mức độ chưa từng có tiền lệ.

Có ai tưởng tượng được rằng nội dung này lại có thể được ban hành trong một thông tư của một Bộ – một cơ quan mà lý do tồn tại của nó chỉ là để „bảo vệ quyền tự do, dân chủ, tính mạng, tài sản của nhân dân…“(điều 2- chức năng nhiệm vụ của công an nhân dân)!

Ngành này phải là nơi thông hiểu hơn bất kỳ ai về những quy định của pháp luật mà lại vi hiến đến mức này sao?!

Thông tư này sẽ biến hàng ngàn cảnh sát giao thông khắp VN trở thành những „kẻ cướp“ nếu họ muốn. Không loại trừ một số người có lương tâm trong ngành sẽ không làm điều đó. Nhưng lương tâm, như chúng ta đã quá có nhiều kinh nghiệm cay đắng, là luôn bị lùi bước, bị chà đạp bởi mối lợi cực lớn từ quyền lực. Chính quyền tước đoạt này sẽ kích thích mạnh mẽ họ biến thành kẻ cướp được chính quyền và Đảng bảo kê.

Lại càng kích thích họ hơn, khi trong thông tư cũng không quy định hậu quả phải gánh chịu cho kẻ làm sai.

Và hãy hình dung, điều tất yếu tiếp theo, đó là quy định này sẽ biến CSGT thành băng cướp đông đảo nhất, nguy hại hơn bất kỳ băng cướp hoặc tổ chức mafia nào. Trong khi cướp và mafia phỉ hoạt động lẩn lút, không quyền lực chính trị, bị truy đuổi nơi nơi, không dễ gì dừng xe, tước đoạt xe cộ và tài sản người dân, thì „băng cướp“ từ cảnh sát giao thông có vũ khí giết người trong tay mà lại nhân danh Đảng, nhà nước, Bộ Công an, dựa vào văn bản dưới luật để làm tùy thích thì luôn vô địch.

Khi điều này xẩy ra, xã hội VN bị đặt trong một tình trạng khủng bố.

Người dân đã vốn khốn khổ hãi hùng vì nạn công an nơi nơi mãi lộ ăn chặn tiền của họ. Báo chí VN đưa rất nhiều thông tin về người chỉ phạm lỗi rất nhỏ là không đội mũ bảo hiểm cũng bị công an đánh đập, hung hãn truy đuổi gắt gao đến mức nhiều người phải lao vào ô tô hoặc ngã chết.

Số tiền mà công an thu được do mãi lộ hoặc buộc người dân phải nộp phạt „chui“ để được thoát khỏi tay công an dù rất lớn, nhưng chưa lớn bằng việc trưng trưng thu một chiếc xe máy, ô tô hoặc tài sản khác, mà cũng đã đủ để kích thích đám công an giao thông bất chấp pháp luật và lương tâm để tróc nã tiền của dân, dù họ luôn luôn nói „làm theo quy định của pháp luật“.

Số tiền thưởng do công phá án hoặc điểm thi đua cho những công an sớm phá án dù lớn so với túi tiền của người dân nhưng lâu nay cũng đã đủ hấp dẫn để kích thích hàng trăm công an, nếu tính cả sự đồng lõa của tập thể, thì cả ngàn công an bỏ qua lương tâm con người mà tra tấn, bức cung đến chết hàng trăm người vô tội ngay tại đồn công an chỉ trong vài năm gần đây.

Thực tế cho thấy, một khi đã chẳng may rơi vào tay công an hình sự hoặc công an giao thông tại VN, thì người dân chỉ còn nước chết nếu không làm theo những gì công an muốn.

Hiện trạng xẩy ra thường xuyên là khi họ muốn bắt một người vô tội là bắt, không cần lệnh hoặc chứng cứ. Khi họ muốn anh nhận những tội mà họ gán cho anh, anh sẽ bị tra tấn đến khi buộc phải nhận. Anh sẽ hoàn toàn bị cách ly với bên ngoài, gia đình không được biết tin, không biết anh bị giam ở đâu để quan tâm.

Ngay cả cấp trên của công an nhiều khi cũng không thể biết cấp dưới đang dùng hành vi „bắt cóc tống tiền, tra tấn“ nạn nhân vì rất nhiều khi một nhóm công an đã tự ý bắt người mà không báo cáo, không xin lệnh của Viện kiểm sát như quy định. Những kẻ tàn ác này biết chắc rằng khi vụ việc vỡ lỡ, cấp trên vì tiền hối lộ từ họ, vì cấp trên cũng đầy tội lỗi, và đặc biệt là cấp trên sợ trách nhiệm, sợ mất chức nên đã và sẽ bằng mọi giá ém nhẹm, bao che cho sai phạm của cấp dưới.

Bởi vậy, do đau đớn quá vì bị tra tấn, bức cung, do tuyệt vọng mà nạn nhân trong tay công an phải nhận tội, kể cả tội giết người dù họ không giết. Nhận tội mà cũng chẳng được yên thân, công an lại tra tấn tiếp, bắt họ nhận thêm những tội khác ở các vụ án trước mà chưa tìm ra thủ phạm. Nhiều người không chết ngay được, đành tự sát trong đồn công an để thoát khỏi khổ hình.

Người VN đang còng lưng làm lụng để trả tiền nuôi những kẻ khủng bố mình như vậy đấy. Kêu oan không thấu, có khi lại còn bị bắt, khủng bố tiếp, hầu hết dân không dám lên tiếng kêu oan.

Lẽ ra trong tình trạng như vừa rồi, chính ngành công an phải đưa ra được những thông tư hạn chế, chấm dứt sự lộng quyền, coi thường pháp luật và tính mạng của người dân.

Nhưng không, dư luận càng lên án, những người có trách nhiêm càng vô cảm và ngang ngược. Họ càng ban hành thêm những văn bản luật pháp nới rộng quyền lực của ngành họ, như thông tư 01/2016. Họ bất chấp việc đó có thể kích thích công an thêm lạm quyền và tăng cường cướp bóc, khủng bố dân.

Những cái chết của dân từ tay công an chỉ khiến dân rơi nước mắt, không mảy may rung động một sợi mi nào từ phía những người có trách nhiệm và nhà cầm quyền.

Chúng ta đã chờ đợi một hành động, một phát ngôn tối thiểu từ họ, để được an ủi rằng họ cũng có trái tim con người, nhưng không. Thậm chí, nhiều người gây ra điều này còn được lên chức cao hơn để thỏa mãn nhu cầu đàn áp của thể chế chính trị độc tài này.

Cần hủy bỏ ngay thông tư „cưỡng đoạt“ này

Tính chất vi phạm pháp luật của thông tư 01/2016 là không thể bào chữa.

Khi có hiệu lực, nó sẽ ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến đời sống của người VN.

Một số chuyên gia của Bộ Tư pháp đã lên tiếng về tính vi hiến của thông tư này.

Báo Tuổi trẻ online ngày 1 tháng 2/2016 khi trích ý kiến của luật sư đã phân tích xác đáng: „Khoản 6 điều 5 của thông tư có quy định : „Cảnh sát giao thông có quyền trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật“.

„Đối chiếu với luật trưng mua, trưng dụng năm 2008 thì người có thẩm quyền ra quyết định trưng dụng phải là bộ trưởng và chủ tịch UBND tỉnh“…

Nhiều luật sư trong và ngoài nước đã lên tiếng phản đối thông tư nói trên nhưng đến nay chưa có động thái nào cho thấy nhà cầm quyền đã tiếp thu.

Người VN không thể dìm mình trong tuyệt vọng.

Không có nghĩa là một đại hội Đảng vi hiến thì đương nhiên mọi cá nhân, tổ chức có có quyền lực dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng đương nhiên vi hiến và tước đoạt quyền sống yên lành của chúng ta.

Mỗi người đếu có trách nhiệm đấu tranh chống lại sự vi phạm Hiến pháp, Luật và quyền con người, dù hôm nay có thể mình chưa là nạn nhân trực tiếp.

Điều cần làm ngay là phải lên tiếng để những người có trách nhiệm, đặc biệt là Bộ Công an phải hủy bỏ thông tư này trước khi nó có hiệu lực.

Nguồn :Blog RFA
..........
ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh của Hoa Mai Nguyen.