Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Vì sao luật sư Trừng bị khai trừ đảng?

Người Quan Sát/Calitoday
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng
Tờ Năng Lượng Mới ra ngày 31/7/2014 cho biết, ngày 30/7, Ban Thường vụ Thành ủy ở Sài Gòn đã có quyết định thi hành kỷ luật khai trừ đảng đối với luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm đoàn Luật sư thành phố.

Cũng theo tờ này, ông Nguyễn Đăng Trừng “có thái độ và việc làm thể hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”. Tờ Năng Lượng Mới còn nói thêm, ông Trừng đã “vô tổ chức, vô kỷ luật, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, làm trái nghị quyết của tổ chức đảng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, độc đoán, gia trưởng, gây mất đoàn kết nội bộ, không còn đủ tư cách đảng viên”.
 
Cụ thể, từ năm 2012, trong lãnh đạo, điều hành, đảng viên Nguyễn Đăng Trừng đã có những khuyết điểm, vi phạm: xem nhẹ vai trò lãnh đạo của đảng đoàn đối với những hoạt động của Đoàn Luật sư thành phố, không tổ chức cho đảng đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng đoàn theo quy chế làm việc đã ban hành.
 
Ông Trừng còn phân công, bổ nhiệm, đề bạt một số cán bộ tại Đoàn Luật sư thành phố vi pham nguyên tắc tập trung dân chủ; chỉ đạo chuẩn bị nhân sự Đại hội Đoàn Luật sư thành phố nhiệm kỳ VI không đúng quy trình, thiếu công khai, minh bạch; có phong cách lãnh đạo thiếu dân chủ, độc đoán, gia trưởng.
 
Ông Trừng lợi dụng chức vụ được phân công để vô hiệu hóa, cản trở, thậm chí làm trái nghị quyết, kết luận của tập thể đảng đoàn Đoàn Luật sư thành phố, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ của đảng và các quy định của đảng. Không những vậy, ông Trừng còn đưa các văn bản này lên trang điện tử của Đoàn Luật sư thành phố và phát tán đến các luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố để gây khó khăn cho hoạt động của Ban chủ nhiệm trong quá trình chuẩn bị Đại hội Nhiệm kỳ VI.

Đâu là sự thật?
 
Ông Nguyễn Đăng Trừng (sinh năm 1942), người từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 12. Ông từng tham gia vào vai trò Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Bí thư đảng đoàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tại Sài Gòn. Xét về nhân thân đối với chế độ, ông là một người toàn “đỏ”. Vậy nhưng, người dân Việt Nam biết đến ông như một trí thức, người có những tiếng nói, việc làm ủng hộ những người đấu tranh dân chủ. Luật sư Lê Công Định từng là đồng sự. Ông là người ủng hộ việc kiên quyết kiện Trung Cộng, và việc làm này của ông đã có từ lâu.
 
Vào ngày 27/6/2014 trong một thông báo “làm rõ thêm về việc ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) ban hành công văn số 74/LDLSVN ngày 10/4/2014” được đăng lên trên website của Đoàn Luật sư Sài Gòn, ông Trừng đã thẳng thừng đưa ra nhiều ý kiến chỉ trích ông Chủ tịch (LĐLSVN). Trong đó có nói, ông Lê Thúc Anh đã không bảo vệ được một nguyên tắc cơ bản nhất của Đoàn Luật sư là kết hợp sự quản lý nhà nước với chế độ tự quản của Đoàn Luật sư; sự độc lập của Đoàn Luật sư đã được khẳng định là chìa khóa để bảo vệ Luật sư; ông Lê Thúc Anh tiếp tay cho sự áp đặt không dân chủ và sự can thiệp trái pháp luật đối với Đại Hội Đại biểu Đoàn Luật sư Sài Gòn nhiệm kỳ VI (2013-2018), càng không xứng đáng là Chủ tịch LĐLSVN.
 
Chưa dừng ở đó, ông Trừng còn phê phán ông Chủ tịch LĐLSVN là một người năng lực kém, thiếu bản lĩnh lãnh đạo, không tập hợp, quy tụ được Luật sư trên cả nước, không còn xứng đáng là Chủ tịch LĐLSVN. Trong quá trình làm việc của mình, ông Lê Thúc Anh chưa thể hiện tính đặc thù của LĐLSVN là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của cả nước. Trong nhiệm kỳ 5 năm, ông Lê Thúc Anh đã điều hành LĐLSVN như một cơ quan nhà nước nên không thể có những thông tin, những thực tế cần thiết để xây dựng báo cáo công tác nhiệm kỳ I (2009-2013) và phương hướng công tác nhiệm kỳ II (2014-2019) của LĐLSVN và Dự thảo điều lệ của LĐLSVN thể hiện được tính đặc thù của LĐLSVN là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của cả nước. Ông Trừng muốn LĐLSVN sẽ thực sự trở thành một định chế dân chủ, một sức mạnh. Những ai đó có ý định biến LĐLSVN thành một thứ bánh vẽ, một thứ chậu kiểng để trưng bày chắc chắn sẽ thất bại.
 
Và để chứng tỏ rằng, Đoàn Luật sư ở Sài Gòn là một tổ chức độc lập, ông đã khước từ giấy mời “Khẩn” từ Sở Tư pháp ở Sài Gòn vào ngày 6/6/2014. Vì theo ông này: Đây là một cuộc họp không bình thường. Họp Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tại sao không phải Chủ nhiệm Đoàn Luật sư mời mà Sở Tư pháp mời. Đoàn Luật sư có trụ sở ở 104 Nguyễn Đình Chiểu tại sao lại họp ở 187 Lý Chính Thắng. Tại sao ông Trần Thế Lưu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy lại chủ trì cuộc họp Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư. Ông Trần Thế Lưu chỉ có thể chủ trì cuộc họp của Ban Nội chính Thành ủy mà thôi chứ không thể chủ trì cuộc họp Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư. Chỉ có Chủ nhiệm Đoàn Luật sư mới được chủ trì cuộc họp Ban Chủ nhiệm.
 
Chưa hết, trong thông báo, ông Trừng còn thẳng thắn: Sở Tư pháp có tư cách gì mà mời các thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư để bàn biện pháp tổ chức Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư thành phô. Đoàn Luật sư không phải là một phòng của Sở Tư pháp. Sở Tư pháp chỉ là một cơ quan tham mưu cho Ủy Ban Nhân dân Thành phố thực hiện sự quản lý nhà nước đối với Đoàn Luật sư thành phố. Tuy tính chất khác nhau nhưng Đoàn Luật sư Thành phố và Sở Tư pháp có vị trí ngang nhau. Sở Tư pháp không phải cấp trên của Đoàn Luật sư Thành phố, cấp trên về mặt quản lý nhà nước đối với Đoàn Luật sư là Ủy Ban Nhân dân Thành phố.
 
Quay lại vấn đề giữa ông Trừng và ông Lê Thúc Anh, hai người này đã có mối bất hòa từ rất lâu, theo RFA Việt ngữ, từ khi Bộ Tư pháp giới thiệu “Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc” vào hồi tháng 10/2006 để tổ chức này sẽ là “Liên Đoàn Luật sư Việt Nam”. Ông Trừng vào thời điểm đó đã thay mặt Đoàn Luật sư ở Sài Gòn gửi “Kiến nghị khẩn cấp”, đề nghị Thủ tướng Việt Nam và Bộ trưởng Tư pháp không chỉ định bất kỳ cán bộ nào đại diện Bộ Tư pháp làm thành viên của “Hội đồng Luật sư lâm thời toàn quốc”.
 
Trong “Kiến nghị khẩn cấp”, Đoàn Luật sư ở Sài Gòn cho rằng: Việc Bộ Tư pháp đưa những đại diện của mình giữ những chức vụ cao nhất trong “Hội đồng Luật sư lâm thời” là vi phạm nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư. Ông Lê Thúc Anh vào thời điểm này được chỉ định vào vị trí chủ tịch “Hội đồng lâm thời Luật sư”.
 
Ông Lê Thúc Anh, chủ tịch, người chỉ là một cựu thẩm phán, người chỉ học luật qua hệ tại chức, từng làm Phó Chánh án Tòa Án Tối cao và những người đảm trách chức vụ cao trong “Hội đồng lâm thời Luật sư” khác chưa bao giờ là một luật sư cả. Và để hợp thức hóa các vị trí cao cấp mà do mình chỉ định, Bộ Tư pháp đã cấp “chứng chỉ hành nghề luật sư” cho những người này. Thế nhưng từng đó chưa đủ để được xem là luật sư nên những người này phải xin nhập đoàn luật sư nào đó.
 
Cũng theo đài RFA, ông Lê Thúc Anh cư trú tại Sài Gòn, gửi hồ sơ xin gia nhập Đoàn Luật sư ở Sài Gòn thì bị đoàn này bác, vì: “Ông Lê Thúc Anh đã được Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc quyết định làm Chủ tịch Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc, có nghĩa là ông Lê Thúc Anh đã là luật sư đại diện cho Đoàn Luật sư nào đó”.
 
Cuối cùng, để được hợp thức hóa, đầy đủ tiêu chí, ông Lê Thúc Anh đã trở thành Luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và hiện nay đang chễm chệ trên chiếc ghế Chủ tịch LĐLSVN như chúng ta biết.
 
Nói một cách ngắn gọn hơn, việc ông Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ khỏi đảng CSVN và sắp tới đây có thể bị mất chức Chủ nhiệm Đoàn Luật sư ở Sài Gòn bởi vì ông đã dám tranh đấu độc lập cho Đoàn Luật sư để tổ chức này không bị chi phối, bị kiểm soát, quản lý của chính quyền, biến Đoàn Luật sư trở thành tổ chức của đảng CSVN.