I – NHỚ LẠI CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA XIII.
Gần đến ngày đi bầu cử, trưởng phòng tổ chức trường xuống nhắc nhở tôi : Sáng CN anh mặc quần áo chỉnh tề đi bầu cử sớm cho mát nhé. Tôi trả lời, bỏ qua thói nhắc nhở trẻ con của anh, sao anh lại quan tâm việc đi bầu cử của tôi đến thế.
Thử hỏi, tôi đi bầu cử trong khi tôi không hề biết, không được gặp đại biểu, không được biết tham luận, chương trình hành động của đại biểu, không được chất vấn các đại biểu thì (chưa nói đến số đại biểu lại toàn là đại biểu đảng cử, trong khi đảng thì tôi đã mất niềm tin từ lâu rồi) sao lựa chọn được, không biết sau khi trúng cử họ làm những gì. Chưa nói đến các ứng cử viên đảng cử không thấy ai kê khai tài sản theo quy định của pháp luật, 827 ứng cử viên không được công khai danh sách trên các phương tiện thông tin đại chúng, điểm bỏ phiếu nào thì biết ứng cử viên ở điểm đó.
Cách làm như vậy mục đích có phải những ứng cử viên đảng cử tham nhũng, sai trái, vô trách nhiệm ... đang bị tố cáo ở địa phương này cho sang địa phương khác bỏ phiếu để bịp dân không ? Những quy định và cách thức tổ chức bầu cử như thế, quá trình thực hiện nếu cần họ cũng bất chấp những quy định do họ đặt ra.
Như vậy nếu tôi đi có ai đó bảo tôi thuộc dạng mất trí, anh nghĩ sao ? Ít ra thì các đại biểu trong một khu vực bỏ phiếu cũng phải có tranh cử (dù chỉ là đảng cử) trên các phương tiện truyền thông, hứa hẹn để cử tri được nghe, được phản biện thì dân cũng còn có chút để chọn. Đàng này, đảng tước sạch cái quyền của mình không còn một chút gì để chọn.
Trưởng phòng tổ chức trả lời, tôi còn không được gặp, được biết, được nghe được thấy, được hỏi thì làm sao đáp ứng được yêu của anh. Tôi nói, anh biết vậy sao vẫn cúi đầu chập nhận ? Anh không hề biết tí gì về những ứng cứ viên đảng cử ngoài chích ngang và ảnh, anh vẫn đi bầu thì anh có khác gì Robot, vậy mà còn lôi kéo tôi đi làm cái chuyện vô bổ ấy.
Anh ta hỏi tiếp, thế anh lấy thẻ cử tri làm gì. Tôi nói, bởi tôi không muốn ai đó lợi dụng cái chứng nhận công dân của mình mà nhà cầm quyền không thể bác bỏ. Mặt khác mỗi lần bầu cử xong, tôi thấy truyền thông của đảng cứ ra rả người dân phấn khởi đi bầu cử, “cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, hầu hết các khu vực 100% dân đi bỏ phiếu, toàn quốc 99,9.. % người dân tham gia bầu cử... trong khi tôi thấy tỷ lệ không đi, không phải là ít, một người cầm tất phiểu cử tri của cả gia đình đi bỏ phiếu, các lớp HSSV giao cho một vài SV nào đó cầm phiếu của cả lớp đi bầu ... không đúng luật ... Nếu hôm sau truyền thông của đảng nói sai, không đúng sự thật, nói láo. Tôi còn có cái để nói.
Tôi khẳng định bao nhiêu năm dưới sự cai trị của đảng, cái quốc hội đảng dựng ra chưa bao giờ là của dân, nó cũng chưa bao giờ là cơ quan quyền lực cao nhất của dân. Chính vì vậy mà sau khi rời ghế chủ tịch quốc hội ông Nguyễn Hữu Thọ, phàn nàn : “Quốc hội cũng chỉ là cái vườn cây cảnh”; ông Lê Quang Đạo cũng thế : “Quốc hội cũng chỉ là bộ máy dơ tay”, hồi ký của ông ở chương VII bị ém nhẹm khi nói đến - nội dung phải có luật cho đảng; ông Nguyễn Văn An thốt ra : “chúng ta là vua tập thể”, “có một nghịch lý đảng quyết định tất cả nhưng không bao giờ đảng chịu trách nhiệm” ...
Những con người ấy, thuộc tầm cỡ ấy trong bộ máy ấy còn thấy bất lực, phải thốt ra như vậy. Mặc dù có thể cá nhân họ có chuyện không vui, nhưng dù sao tập hợp cách nói của họ cũng góp phần phá ngu, thức tỉnh sự u mê, khơi sáng nhận thức để nhìn ra màu hồng hay màu đen đang bao trùm lên toàn xã hội dưới sự cai trị của đảng.
Mỗi người dân VN yêu nước chân chính muốn đóng góp công sức của mình để xây dưng đất nước, hàng vạn vạn dân oan đi bầu cử hết khóa này đến khóa khác cũng chỉ mong bầu chọn ra người đại biểu quan tâm và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, nhưng càng hy vọng càng thấy vọng.
Bởi có bao nhiêu phần trăm cử tri, biết cái quyền chính trị tối cao của mình đã bị một nhóm quyền lực trong đảng gọt dũa, tước đoạt bằng mọi thủ đoạn. Từ những quy định bầu cử đến hội đồng bầu cử, ban kiểm phiếu đảng tự cho mình cái quyền quyết định, và không bao giờ có cơ quan độc lập nào được người dân thành lập, hay các tổ chức quốc tế đứng ra giám sát ... Họ có biết đâu cái quy trình thực hiện ứng cử và bầu cử, đảng đã tước sạch cái quyền của công dân của mình.
Cuối cùng chỉ còn lại cái tự do đi bầu cử những “đại biểu” đảng chọn cho mình. Bởi đảng chỉ cần họ đi bầu, để đảng đủ chứng minh tính “chính danh” về quyền lãnh đạo của mình, tính “chính danh” của nhà nước do đảng dựng ra. Còn đi dân bầu có gạch đến một trăm nhát thì cũng vô nghĩa, đảng vô tư. Đảng vẫn tuyên truyền cái nhà nước, quốc hội đảng dựng ra là của dân do dân vì dân đấy, ai cãi được.
Còn việc đảng nói thật hay dối, thực tế ai cũng thấy cái cơ quan được gọi là quyền lực cao nhất của dân nó có thực sự vì dân không, có ngăn chặn được cái hệ thống quyền lực phản dân hại nước không ? Vì dân sao “đại diện, đại biểu trung thành quyền lợi của nhân dân”, “cơ quan quyền lực cao nhất của dân” lại im lặng, bao che, né tránh, bỏ mặc những tiếng kêu oan thấu trời của dân ; Đảng dùng công cụ ngăn chặn, đàn áp, bỏ tù dân đi đòi công lý, bỏ tù những người bày tỏ chính kiến trước hiểm họa mất nước, cái cơ quan quyền lực cao nhất ấy có mấy ai dám mở miệng bênh vực lợi của dân không ?
Bao năm tôi đấu tranh chống tham nhũng, nội dung khiếu tố Thanh tra Chính phủ kết luận thừa nhận đúng, nhưng có ai xử đâu ... Vì lý do vậy nên tôi thưa với trưởng phòng tổ chức, tôi không phải loại u mê. Đảng nắm quyền, đảng tham nhũng, đảng chọn đại biểu cho tôi thì làm sao họ bênh vực được quyền lợi của tôi khi đảng sai. Dù tôi có là nhà chiêm tinh học, người biết xem tướng qua ảnh thì cũng bó tay trong việc đi lựa chọn người đại biểu của mình do đảng đã chọn sẵn.
Cách hai ngày, sau khi trưởng phòng tổ chức trường gặp tôi có ba AN trẻ qua phòng làm việc và mời tôi đi uống nước. Khi ngồi uống nước họ nhắc tôi : Sáng CN, anh đi bầu cử sớm xong anh em mình đi uống bia nói chuyện cho vui. Tôi cảm ơn và nói, tôi có đi đâu mà bia với bọt. Một AN khác nói, bác không đi thì bác nổi tiếng đấy, em đi từ Hà Nội vào trường không thấy ai nói như bác, bác không đi bác mất quyền công dân.
Tôi nói, có đâu mà mất và nói với ba AN như những gì đã nói với trưởng phòng tổ chức trường. Ba AN vẫn ngồi nài nỉ “thôi sáng CN anh cứ đi cho vui”. Tôi liền nắm hai bàn tay lại và nói, trong hai bàn tay của tôi, một bàn tay có tiền, các chú chọn bàn tay nào có tiền các chú lấy. Ba AN ngồi im. Tôi nói, đấy các chú thừa biết chẳng bàn tay nào tôi có tiền nên việc lựa chọn là vô nghĩa. Vậy cái chuyện tôi không đi bầu cử nó cũng thế, chỉ khác nó trìu tượng hơn không phải tất cả ai cũng biết, nếu không quan tâm.
Tôi đi là công nhận chuyện tự biên tự diễn của một nhóm người có quyền lực trong đảng góp phần hợp pháp hóa công cụ của họ, để họ hợp thức hóa quyền lực của họ, hợp thức hóa những điều luật mù mờ do họ áp đặt để bảo vệ quyền lực “không chính danh”, để thỏa mãn lòng tham danh lợi bất chính mà người dân có bị hại cũng không có khả năng đòi công lý ... Nên tôi nhận thấy đi là góp phần trao trứng cho ác.
4h giờ chiều ngày diễn ra bầu cử, trưởng phòng nơi tôi làm việc lại gọi điện thoại giục tôi đi bầu. Tôi trả lời, quan điểm của tôi không có gì thay đổi.
II- NHỮNG TRĂN TRỞ VỀ BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA XIV.
Thấm thoát đã năm năm, cuộc bầu cử quốc hội khóa XIV đã đến.
- Những quy định và hình thức, cách thức tổ chức so với các cuộc bầu cử khóa trước về cơ bản không có gì thay đổi. Thậm chí còn tồi tệ hơn khi tôi thấy những người đại biểu tự ứng cử (không phải đảng cử) từ khâu làm hồ sơ ứng cử đến các hội nghị tiếp xúc cử tri đã bị các công cụ của đảng lồng lộn, dùng mọi thủ đoạn dơ bỉ, quy chụp rồi đấu tố một cách trắng trợn để triệt hạ những ai tự ứng cử. Họ bất chấp luật pháp quy định(mặc dù luật pháp cũng như những quy định đó suy cho cùng đều do một nhóm người có quyền lực trong đảng áp đặt).
Một số người tự ứng cử đã tẩy chay hội nghị cử tri trước khi diễn ra, vì thấy việc tổ chức không khách quan, không đúng luật ... Một số người khác buộc phải tẩy chay khi hội nghị đang diễn ra, bởi những chiêu trò bẩn bỉ của đám công nô. Đặc biệt là hội nghị không quan tâm đến các tham luận, chương trình hành động của những người tự ứng cử mà tập trung vào việc đặt điều và đấu tố. Trong khi các “đại biểu” tái đảng cử ngoài những khuôn mặt quen thuộc đã từng và đang nắm vị trí quyền lực cao nhất nhà nước vô tâm, vô cảm, vô trách nhiệm trước bao oan khuất chồng chất của dân.
Mới đây cá chết la liệt ở vùng biển Hà tĩnh và dọc miền trung, nay đã lan ra Thanh Hóa, Thái bình và không biết sẽ đến đâu nữa, nước biển bị nhiễm độc nặng. Các “đại biểu” tái đảng cử này vẫn lặng thinh, không vị nào lên tiếng, trực tiếp đến thăm hỏi người dân, có chương trình hành động cụ thể hứa trước cử tri về trách nhiệm của mình đối với thảm họa môi trường kinh hoàng này ... Mặt khác, chưa thấy vị nào kê khai tài sản, chưa hề có tham luận, chưa có chương trình hành động ... Còn các “đại biểu” đảng cử khác thì người dân vẫn mù mịt thông tin.
Cuộc bầu cử đảng tổ chức lần này lại có thêm những sự kiện chưa bao giờ có tiền lệ, “sinh con rồi mới sinh cha”. Các “đại biểu” quốc hội khóa XIII bãi nhiệm chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ do quốc hội khóa này bầu ra, trong khi chưa hết nhiệm kỳ. Và làm thay quốc hội mới trong việc bầu ra các chức danh đó. Nhiều người dân bất mãn nói, chưa có quốc hội mới đã bầu các chức danh trên, đảng tổ chức bầu cử làm gì nữa, sắp đặt luôn cho đỡ tốn công, tốn sức, tốn tiền thuế của dân.
Thật không còn gì để mà nói, khi “đại biểu” tái đảng cử nắm giữ những chức vụ cao nhất, quyền lực nhất hoàn toàn im lặng trước thảm họa môi trường kinh hoàng đang diễn ra. Trong khi những người dân có trách nhiệm đối với môi trường sống chung, đau xót trước những thiệt hại đã và đang xảy ra trực tiếp đối với ngư dân các tỉnh miền trung tổ chức xuống đường biểu tình, bày tỏ yêu cầu chính đáng của mình thì bị đảng cho công cụ đàn áp, bắt bớ, đánh đập một cách dã nam. Đám người có quyền lực này, hôm nay lại trơ trẽn tiếp tục đứng ra tổ chức, hô hào dân đi hợp thức hóa, công nhận họ và tay chân của họ là “đại biểu” của dân.
Tất cả nguyên nhân sâu xa của sự bất công, bất hạnh, oan trái chồng chất đang tồn tại của người dân do hệ thống quyền lực gây ra, chỉ có thể giải quyết được khi hệ thống quyền lực thay đổi, hay nói cách khác khi cơ chế chính trị thay đổi. Muốn thay đổi phải do chính mỗi người dân nhận thức và đồng lòng bất hợp tác, tranh đấu để thực thi cái quyền quyết định chính trị tối thượng của mình.
Với sự trăn trở về thành phần đứng ra tổ chức, cách thức tổ chức bầu cử như đã diễn ra trong quá khứ và hiện nay, tôi khẳng định người dân không bao giờ chọn ra được người đại biểu thực sự của mình. Mọi con đường đi đến công lý vẫn bế tắc. Luật pháp chỉ là thứ trang trí, Quốc hội cũng vẫn là “cái vườn cây cảnh”, “một bộ máy dơ tay, ấn nút”.
Nếu mọi người vẫn tiếp tục chấp nhận đi “trao trứng cho ác”, vì sợ mất cái quyền mà mình không có. Tiếng kêu cứu của người dân bất hạnh vẫn tiếp tục vô vọng; sự trăn trở kiến nghị đầy tâm huyết, mang tính xây dựng của những người có tấm lòng với vận mệnh của đất nước vẫn tiếp tục bị vứt vào sọt rác, đất nước vẫn chìm trong cảnh đen tối.
Hà Nội, ngày 10/5/2016
Vũ Mạnh Hùng
ĐT : 0902219982