Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Đại diện dân oan: 'Còn sống còn kiện' - Theo BBC Tiếng Việt

Đại diện dân oan: 'Còn sống còn kiện' 

Đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh của Hiệp hội Dân oan đang được thành lập nói với BBC hiệp hội sẽ giúp người dân đòi quyền lợi và bản thân ông sẽ 'còn sống còn kiện'.
Ông Nguyễn Xuân Ngữ, 70 tuổi, người nói ông hiện sống trong một căn nhà mái tôn không cửa sổ tại khu 'dồn dân', là một trong những người có tên trong ban vận động thành lập Hiệp hội Dân oan.
Ông nói với BBC ban vận động đã gửi thư tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị gặp mặt để bàn về việc lập hội.
"Chúng tôi đã có đề nghị với lãnh đạo nhà nước là từ nay tới hết tháng Hai mà không trả lời, tức trong vòng 60 ngày, chúng tôi dự kiến ngày 3/3 chúng tôi sẽ tiến hành [lập hội]."
Ông Ngữ dự đoán sẽ có nhiều người dân từ khắp các tỉnh thành của Việt Nam tham gia hội.

Dân oan 'quá đông'

Nói về lý do thành lập hội, vị đại diện ở thành phố Hồ Chí Minh nói:
"Ý niệm của chúng tôi là muốn gánh khó khăn cùng nhà nước thôi, tức là làm những gì nhà nước không cấm để bảo vệ quyền lợi của chính bản thân chúng tôi là một. Thứ hai nữa là quyền dân sinh, dân chủ của chúng tôi cũng như của những người đang bị oan, bị một số cán bộ của địa phương họ làm sai trái, họ làm cho dân oan thì chúng tôi sẽ cùng gánh vác để góp phần giải quyết nỗi oan của người dân.
"Chẳng hạn trường hợp của tôi 10 năm nay đâu có giải quyết. Mà hiện nay đất cát nhà tôi [họ] lấy hết cho tư nhân trái với dự kiến là lấy đất của tôi cho công nghệ cao, nay lấy đất cho tư nhân làm kho chứa hàng vớ vẩn." - Ông Nguyễn Xuân Ngữ
Ông Ngữ nói số dân oan hiện nay "quá đông" khiến các tổ chức hiện hành không thể giải quyết nổi và cần có một tổ chức khác nữa như ông và các cộng sự đang thành lập.
"Các tổ chức ở địa phương, từng địa phương thôi chứ tôi không nói tất cả, nhưng một số địa phương giải quyết không khách quan, thậm chí họ không giải quyết.
"Chẳng hạn trường hợp của tôi 10 năm nay đâu có giải quyết. Mà hiện nay đất cát nhà tôi [họ] lấy hết cho tư nhân trái với dự kiến là lấy đất của tôi cho công nghệ cao, nay lấy đất cho tư nhân làm kho chứa hàng vớ vẩn.
"...Chúng tôi đang ở rộng thênh thang, đang có thu nhập [nhưng] từ khi họ lấy hết nhà đất của chúng tôi [và] bốn năm năm nay cho chúng tôi vào ở nhà lụp sụp mái tôn, nhà duy nhất một cửa, không có cửa sổ... chúng tôi đang lo không biết mùa khô này chúng tôi chịu có nổi không."
Ông Ngữ cho biết hiện ông sống trong căn nhà 'dồn dân' với ba người con lớn trong khi hai người con lớn hơn đã ra ở riêng và ông ly thân với vợ từ nhiều năm nay.

'Cướp ngày'

Trước khi bị thu hồi đất, ông Ngữ nói ông đã xây dựng mô hình vườn ao chuồng trên 4.000 mét đất mà ông có và nuôi cả gấu lẫn nhím để tăng thu nhập cho khoản lương hưu 3-4 triệu mỗi tháng của ông.
"Nói tóm lại họ thấy trang trại của tôi có nhiều điều kiện thuận lợi để thu nhập, mang dáng dấp đẹp và ... hoành tráng thì họ muốn cướp thôi."
"Nguyên tắc là phải chứng minh có văn bản hợp pháp nào để thể hiện đất nhà tôi nằm vào quy hoạch, thứ hai là phải công khải bản đồ nhưng chả có gì. Họ dùng quyền lực, nói chung gọi là ăn cướp ban ngày."
Theo ông Ngữ, cả thủ tướng và chủ tịch nước Việt Nam đều đã có văn bản chỉ đạo giải quyết nhưng giới chức ở địa phương vẫn "im re" do họ "tham nhũng ba triệu mét vuông đất" của hàng trăm hộ.
Ông nói ông được đền bù 150.000 đồng/m2 trong khi giá trên thực tế theo ông là "hàng chục triệu".
"Tôi cũng không chấp nhận cho họ đền bù bởi vì tôi yêu cầu phải chứng minh đất của tôi nằm vào quy hoạch nhưng họ cũng không chứng minh được," ông Ngữ nói.
"Nguyên tắc là phải chứng minh có văn bản hợp pháp nào để thể hiện đất nhà tôi nằm vào quy hoạch, thứ hai là phải công khải bản đồ nhưng chả có gì.
"Họ dùng quyền lực, nói chung gọi là ăn cướp ban ngày."
Ông Ngữ cũng nói ông làm việc cho nhà nước hơn 50 năm trong đó có nhiều năm chịu bom đạn thời cuộc chiến chống Mỹ và giờ chật vật với cuộc sống.

'Đá như quả bóng'

Trong diễn biến có liên quan, trên trang mạng xã hội YouTube đã xuất hiện video clip quay cảnh bà Lê Hiền Đức, người được phong là Chủ tịch Hiệp hội Dân oan, đi trao quà và phát biểu nhân dịp đầu năm 2014.
Bà Đức cũng nói về một trường hợp 'dân oan' khác: "Có những người, ví dụ như Thái Thị Ngọc, hơn 70 tuổi rồi, nộp đơn từ lúc tóc còn đen mà đến bây giờ tóc bạc hơn tóc tôi [bà Đức năm nay 84 tuổi] mà vẫn chưa được giải quyết.
https://www.youtube.com/watch?v=3k8jTxf9LTc&feature=player_embedded 
"Nộp đơn từ cấp dưới, nó đẩy lên cấp trên, quận, huyện, thành phố. Thành phố đẩy lên trung ương, trung ương lại đá về tỉnh, tỉnh lại đá về huyện.
"Như thế chúng nó làm dân mình như một quả bóng, đá lên rồi lại đá xuống, không giải quyết.
"Đấy, chúng ta gọi những người đấy là những người dân oan."

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/01/140106_hoi_dan_oan.shtml