Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014


Phạm Chí Dũng – Xã hội dân sự Việt Nam: “Chia rẽ là chết!”

Một số động tác gọi hỏi, sách nhiễu của cơ quan an ninh địa phương đối với những thành viên dân sự trong vài tháng qua cũng cho thấy bất cứ tế bào xã hội dân sự nào cũng có thể trở thành “con mồi” nếu họ không biết cách nắm chặt tay nhau để đối diện với kẻ đi săn. Hẳn đó là lý do vì sao nhu cầu thiết thân lại nảy nở vào lúc này, khi nhiều người trong giới hoạt động dân chủ biểu lộ thái độ dựa vào nhau để chia sẻ rủi ro và nâng đỡ tinh thần.

doan ketPhạm Chí Dũng
Con số 13
Chỉ ngay sau ngày tự do báo chí 3/5/2014 chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, một sự kiện chưa từng có tiền lệ đã diễn ra ở Việt Nam: 13 tổ chức dân sự độc lập đồng loạt ký tên vào một bản tuyên bố chung, yêu cầu chính quyền phải tôn trọng quyền hội họp, lập hội và tự do chính kiến của công dân.
xa hoi dan su
Chỉ mới năm ngoái, các nhóm dân sự này đã “độc lập” đến mức còn chưa thuộc tên nhau.
Một số hãng truyền thông quốc tế ngay lập tức đã ghi nhận sự kiện này như một dấu ấn về sự thăng tiến của xã hội dân sự ở Việt Nam.
“Thăng tiến nhân quyền” lại là cụm từ mới mẻ mà giới quan chức Việt Nam cần học thuộc lòng.
Vào tháng 4/2013, một nhóm thăng tiến nhân quyền và dân chủ cũng đã được lập ra trên trường quốc tế, với người phụ trách là Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Scott Busby. Tác giả bài viết này đã từng có dịp gặp ông Busby vào mùa thu năm ngoái nhân chuyến công tác của ông ở Việt Nam. Cởi mở nhưng nghiêm khắc, đôi khi viên trợ lý ngoại trưởng này khiến đối tác ngoại giao Hà Nội chùn mình.
Mới đây, ông Busby mới đây đã dự một hội thảo về tự do báo chí do đài RFA tổ chức và đã xác nhận “Hoa Kỳ thuyết phục thành công nhà nước Việt Nam trả tự do cho một số tù nhân lương tâm”. Phát ngôn mang tính khẳng định hiếm hoi này cho thấy câu nói đầy ẩn ý “Chúng tôi có ưu thế để đặt ra vấn đề nhân quyền” của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là David Shear vào tháng 4/2013 là có cơ sở.
Xã hội dân sự Việt Nam đương nhiên nằm trong ưu tiên về thăng tiến nhân quyền mà nhóm của ông Scott Busby và các tổ chức nhân quyền quốc tế dành ưu tiên. Từ tháng 4/2013 khi bắt đầu nối lại cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ tại Hà Nội, giới quan sát cũng bắt đầu chứng kiến những bước đi tái hợp có hiệu quả của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đối với giới lãnh đạo luôn bị xem là bảo thủ và thực dụng ở Việt Nam.
Sau cuộc đối thoại nhân quyền trên, trợ lý ngoại trưởng Mỹ và cũng là trưởng đoàn đối thoại Hoa Kỳ Dan Baer đã được Nhà nước Việt Nam “tạo điều kiện tiếp xúc một số người”, trong đó có linh mục bị bịt miệng tại tòa Nguyễn Văn Lý – một người công giáokhông thiếu tinh thần biểu thị bất đồng chính kiến.
Thế nhưng sau đó Dan Baer đã ra về với một thái độ không mấy hài lòng. Thậm chí tại buổi họp báo công bố kết quả cuộc đối thoại nhân quyền, ông cũng không thèm hiện diện. Rõ là kết quả sơ khởi vào lúc đó chưa thể làm người Mỹ thỏa mãn.
Tuy nhiên một năm sau, vào tháng 3/2014, nữ thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman thậm chí còn tỏ ra lãng mạn khi cao hứng tại Hà Nội “Xã hội dân sự là một trong những điểm thú vị nhất trong mối quan hệ giữa hai nước”. Cũng cần ghi nhận rằng nữ chính khách này ngay sau đó đã được tiếp xúc khá thoải mái với Hội Anh em dân chủ – một trong những tổ chức dân sự độc lập bị chính quyền đưa vào chế độ “săn sóc đặc biệt”.Nguyễn Văn Đài – luật sư và cũng là một cựu tù nhân lương tâm, người từng nằm trong danh sách yêu cầu trả tự do của phía Mỹ trong cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền Việt Nam năm 2009, là nhân vật khởi xướng ra hội đoàn khiến nhà nước phải bỏ tâm lo nghĩ ấy.
Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi
Ở Việt Nam, chẳng có thành quả nào từ trên trời rơi xuống.
Số phận thăng tiến của xã hội dân sự ở Việt Nam đương nhiên cũng gắn chặt với đà vận động quốc tế và mối quan hệ tương nhượng giữa hai chính phủ Việt Nam với Mỹ. Đó là chưa xét đến khá nhiều yếu tố tác động từ phía Liên minh châu Âu, nhất là những đòi hỏi nhân quyền đặc trưng văn hóa của người Pháp mà đã giúp cho giáo sư Phạm Minh Hoàng không phải trải nghiệm quá lâu trong trại giam B34 ở Sài Gòn.
Tình hình như thế đã phát triển thấy rõ sau tháng 7/2013 – thời điểm diễn ra cuộc gặp “bất ngờ” của nhân vật đứng số hai Việt Nam là ông Trương Tấn Sang với người đứng đầu Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Tòa Bạch ốc. Trong nửa cuối năm 2013, đầu năm 2014 và cùng lúc với sự kiện Nhà nước Việt Nam được xét chọn cho một cái ghế trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, hàng loạt tổ chức dân sự độc lập đã được độc lập hình thành ở Việt Nam, trong đó đáng chú là những cái tên Diễn đàn Xã hội dân sự, Hội Phụ nữ nhân quyền, Hiệp hội Dân oan Việt Nam, Văn đoàn độc lập Việt Nam, Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam.
truong tan sang
Từ nhiều năm qua, một đề nghị đã trở thành đòi hỏi cấp thiết từ các tầng lớp công dân quan tâm đến hiện tình bức bối đầy trơ trẽn của đất nước là quyền tụ tập và lên tiếng của họ đã luôn bị đảng cầm quyền và chính quyền gò ép và tránh né. Minh chứng rõ rệt nhất cho câu chuyện hoàn toàn không lãng mạn này là mặc dù đã được nêu ra tại điều 69 của hiến pháp năm 1992, nhưng cho đến nay Luật lập hội vẫn chưa được Quốc hội ban hành. Trong khi đó, một văn bản nhỏ lẻ là nghị định số 45 đã được Chính phủ nêu ra như một ràng buộc pháp lý đối với bất kỳ hội đoàn độc lập nào muốn đăng ký hoạt động. Tuy nhiên ai cũng biết rằng trong thực tế, đã chưa có bất kỳ nhóm dân sự độc lập nào vượt qua được rào chắn nghị định 45. Từ vụ việc phải đóng cửa của Viện Những vấn đề phát triển năm 2009 ở Hà Nội đến Hiệp hội dân oan năm 2013 tại Sài Gòn, bất cứ một động thái “thượng tôn pháp luật” nào cũng bị các cơ quan chấp hành luật pháp nại đủ các lý do để từ chối và phủ nhận.
Nhưng trớ trêu là tính chất độc lập của các hội đoàn dân sự cũng bởi thế càng có ý nghĩa. Đến giờ, hầu hết các hội nhóm dân sự đều tiến lên độc lập với nhà nước về quan điểm tư tưởng, phương châm và nội dung hoạt động, nhân sự điều hành và tất nhiên cả về tài chính.
Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi. Chỉ trong ít năm, làn sóng dân sự độc lập đã bủa rộng dần tại một số thành phố lớn như HàNội, Sài Gòn, Đà Nẵng. Nhưng khác nhiều với giai đoạn năm 2012 trở về trước, giờ đây tiếng nói của xã hội dân sự còn mang ý nghĩa hội nhập quốc tế và vô hình trung còn trùng với một nhu cầu thiết yếu chống khủng hoảng kinh tế của Nhà nước Việt Nam là giành được Hiệp định TPP. Chính vì thế và không còn cách nào khác, giới cầm quyền và ngay cả vài ba nhân vật được coi là bảo thủ nhất trong chính đảng và chính quyền cũng đang có dấu hiệu bị thuyết phục về khuynh hướng “thỏa hiệp” với xã hội dân sự.
Chia rẽ là chết!
Cũng không còn cách nào khác, cho đến lúc này xã hội dân sự Việt Nam phải tìm đến tiếng nói nối kết, nếu không muốn nói là một tinh thần “hiệp thông” cao quý hơn nhiều. Thời gian hơn nửa năm qua, việc chứng kiến không gian tách rời tương đối giữa các hội nhóm dân sự độc lập và ngay trong lòng vài hội nhóm đã cho thấy triết lý người xưa không hề sai: chia rẽ là chết.
Một số động tác gọi hỏi, sách nhiễu của cơ quan an ninh địa phương đối với những thành viên dân sự trong vài tháng qua cũng cho thấy bất cứ tế bào xã hội dân sự nào cũng có thể trở thành “con mồi” nếu họ không biết cách nắm chặt tay nhau để đối diện với kẻ đi săn. Hẳn đó là lý do vì sao nhu cầu thiết thân lại nảy nở vào lúc này, khi nhiều người trong giới hoạt động dân chủ biểu lộ thái độ dựa vào nhau để chia sẻ rủi ro và nâng đỡ tinh thần.
Gần một năm rưỡi sau thời điểm phong trào “Kiến nghị 72” khởi động, vũ điệu chậm chạp của xã hội dân sự còn trong trứng nước mới được gia tốc hơn đôi chút. Cơ hội cho quyền lên tiếng cũng vì thế lại một lần nữa mở ra, dù nội lực và thực lực của các hội nhóm dân sự độc lập vẫn còn là ẩn số.
Nhưng muộn còn hơn không. Thức tỉnh không bao giờ là kẻ thù của thời gian và sự tiến bộ.