Gs Đặng Hùng Võ |
Quan chức có nên/được/phải giàu hơn người dân không? Tài sản của những
người đang/đã là lãnh đạo có cần được công khai minh bạch về nguồn gốc
tài chính, người dân cần được tạo điều kiện hơn để thực hiện quyền giám
sát của mình... là nội dung trao đổi của GS.TS Đặng Hùng Võ với Tuần
Việt Nam.
Người dân nổi giận là tất yếu
Có
một thực tế là suốt thời gian qua, mỗi khi truyền thông đưa tin hình
ảnh đất đai, nhà cửa, tài sản lớn của quan chức, người dân thường bày tỏ
thái độ phản ứng. Ông lý giải ra sao về sự giận dữ đó?
Trên
thực tế, chúng ta vẫn thấy nhân dân rất giận dữ mỗi khi nghe thông tin
về sự giàu có của quan chức này hay quan chức khác, ngay cả khi họ chưa
hiểu rõ ngọn ngành sự giàu có đó. Người dân ngay lập tức đã kết luận đó
là do tham nhũng mà có.
Xét về lô-gíc tư duy, sự giận dữ đó là
thiếu cơ sở. Việc ông lãnh đạo A hoặc B có ngần này cái nhà nhưng những
cái nhà đó có thể do bố mẹ ông ta để lại; hoặc đó cũng có thể là tài sản
mà ông ta tạo dựng được trước khi trở thành quan chức.
Nếu vậy
thì việc ông ta có khối tài sản đó cũng có gì là sai đâu nhưng nhiều
gười không bao giờ nghĩ như vậy, vẫn mỉa mai, vẫn ác cảm. Đó cũng là quy
luật tất yếu thôi, vì người ta thấy cứ làm quan chức là giàu. Người dân
mong đợi quan chức phải lo cho dân ngày càng giầu hơn nhưng họ nhìn
thấy trên thực tế những hình ảnh khác với lý tưởng chính trị của chế độ
ta: cán bộ là công bộc của dân.
Cứ nhìn các cán bộ ăn tiêu xa hoa
thì họ bực mình là đương nhiên. Trên giấy tờ thì thu nhập chính thức của
cán bộ không hơn người lao động bình thường bao nhiêu. Nhưng trên thực
tế thì người lao động bình thường chỉ dám ăn bát bún dăm nghìn, nhưng
một quan chức lại có thể đàng hoàng đi ô-tô xịn, ăn bát phở đặc biệt vài
trăm nghìn.
Khi người dân nhìn thấy sự chi tiêu nhiều quá so với
sự tằn tiện, eo hẹp của họ mà lại không được biết căn nguyên của sự giàu
sang đó, thì việc họ nổi giận là tất yếu.
Một trong những căn hộ mà ông Dương Chí Dũng mua cho bồ nhí tại văn phòng cao cấp Pacific Place, số 83 Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo . Ảnh: Một thế giới |
Như
vậy, người dân phản ứng không phải vì nhìn thấy sự giàu sang của các
quan chức mà vì họ không được (quyền) biết căn nguyên sự giàu sang đó?
Đúng
thế! Các nước khác, như ở Nga hay ở Mỹ, cứ đầu năm Tổng thống và các
quan chức cấp cao của họ đều công khai toàn bộ tài sản của mình cho mọi
người dân được biết qua các phương tiện thông tin đại chúng: thu nhập
một năm bao nhiêu, từ những nguồn nào, bất động sản đang có ở đâu? Thế
mà ở nước ta, rất nhiều quan chức lại có quan niệm coi tài sản, nhà cửa,
đất đai là chuyện cá nhân, pháp luật phải có trách nhiệm "bảo mật". Vậy
thì làm sao dân có thể tin?
Ngay khi thảo luận về Luật Đất đai
(sửa đổi) vừa qua, Điều quy định về công khai thông tin đất đai cũng
không quyết định được có công khai về chủ sử dụng của thửa đất hay
không? Nhiều cán bộ giải thích là chỉ công khai về thửa đất, còn chủ là
ai thì cần "bảo mật".
Gần đây các nước đều công kích Thuỵ Sỹ về
việc không công khai minh bạch hồ sơ khách hàng gửi tiền ở các ngân
hàng. Bao nhiêu năm nay, đó vốn là thế mạnh của các ngân hàng Thuỵ Sỹ
trong việc thu hút tiền gửi của những người giàu có trên thế giới, đặc
biệt là những người có tài sản không minh bạch. Thế nhưng trước áp lực
từ cộng đồng thế giới trong việc chống rửa tiền và tham nhũng, một số
ngân hàng Thuỵ Sỹ đang dần phải thay đổi cung cách hoạt động truyền
thống của mình.
Việc chúng ta e ngại, dè dặt trong những quy định
về minh bạch, công khai đang mâu thuẫn ghê gớm với quyết tâm phòng,
chống tham nhũng mà chúng ta vẫn thường xuyên nói tới.
Căn bệnh
này chính là nguồn cơn của tình trạng mà chúng ta đang chứng kiến: nhân
dân thì tò mò tìm hiểu quan chức giàu có thế nào, nhà đất ở những đâu?
Còn nhiều quan chức thì cũng lúng túng, bối rối và tìm cách "hợp lý" khi
phải công khai toàn bộ tài sản trước dân. Đó là ngữ cảnh của mối quan
hệ không hay, là những dấu hiệu không tốt trong mối quan hệ giữa nhân
dân với cán bộ.
Nếu như bây giờ, chúng ta học được cách mà các nước trên thế giới đang
làm, học được cách mà ông Tổng thống của nước Mỹ hay nước Nga hay thậm
chí láng giềng Singapo đã làm, có lẽ niềm tin của người dân sẽ trở lại.
Còn
nếu chúng ta không làm được điều đó thì đừng trách nhân dân. Đừng bắt
dân phải hiểu khi mà lãnh đạo không cho dân cơ hội để hiểu.
Tôi tự tin về sự minh bạch
Xin
hỏi ông câu này: nếu báo chí công khai toàn bộ tài sản bao gồm bất động
sản, thu nhập và tiền gửi ngân hàng mà ông đang sở hữu, ông có lúng
túng không?
Tôi đã tự công khai trên phương tiện thông tin
đại chúng trước đây lâu rồi: nhà đất, thu nhập, tiền gửi, v.v. dù không
ai bắt. Tôi tự tin vào sự minh bạch của mình.
Khi tôi còn làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, Bộ Xây dựng đã phân cho tôi một mảnh đất khoảng hơn 100m2
ngay gần mặt đường Khuất Duy Tiến, với một mức tiền phải trả thấp hơn
rất nhiều so với giá thị trường. Tiêu chí là đợt cuối cùng phân đất cho
các cán bộ cấp cao của các bộ, ngành chưa có nhà, nhưng tôi thì đã có
nhà rồi. Tôi không nhận. Sau đó, ngôi nhà được phân cho người khác và
được bán ngay lập tức.
Thật ra, chuyện nhắm mắt lại trong trường
hợp đó mà nhận đất được phân cũng không ai trách cứ hay giận dữ tôi,
nhưng tôi không thể nhắm mắt như vậy được. Phải bước qua được những ham
muốn vật chất là cách tôi giữ cho mình sảng khoái, tự tin.
Để bước qua những ham muốn đó, có dễ không thưa ông?
Đó
là sự khổ luyện. Bản năng con người là bị dục vọng chi phối hành vi.
Người dễ dàng loại bỏ được dục vọng chỉ có thể là những bậc chân tu. Khi
tiền lương không đủ cho những chi dùng cá nhân, người ta rất dễ tặc
lưỡi.
Có những thời điểm, trước những món lợi, tôi cũng đắn đo
chứ, nhưng tôi chỉ tâm niệm một nguyên tắc sống: mình không cầm bất cứ
đồng tiền nào không do mình làm ra. Đó là cách tôi luyện tập và giúp tôi
đến giờ có thể sống thong dong, tự tin khi nói về tiền của mình.
Khi hình ảnh quan chức trong mắt dân được mặc định như vậy liệu ông có thấy chạnh lòng?
Tôi chạnh lòng chứ. Nhưng nghĩ sâu hơn, đó là quy luật tất yếu, là lẽ đời thường.
Nếu
người dân có vơ đũa cả nắm thì cũng đừng giận họ. Khi mà chúng ta không
cung cấp được cho dân cơ sở để phân biệt phải hay trái, trắng hay đen
thì đừng bắt người dân phải tự phân biệt, và cũng đừng trách người dân
khi họ kết tội mình thiếu căn cứ.
Tôi đã từng đọc những lời bình
luận ở dưới nhiều bài báo về tôi, có nhiều người nói tốt, cũng có người
nói xấu theo kiểu "vơ đũa" như vậy. Ví dụ như "Ôi xời, cũng là quan chức
cả thôi, sao ngày xưa không nói, giờ về hưu rồi mới nói, đồ
hèn"..v.v...
Sự thực, tôi nói như bây giờ kể từ khi đang là cán bộ
cấp Tổng cục, cấp Bộ, bị gọi là đồ hèn thì hơi buồn, nhưng tôi cũng
không giận họ.
(Còn nữa)