Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh: Vụ cán bộ và gia đình cán bộ chiếm đoạt trắng trợn tài sản công dân

08/04/2014

Bà Hồ Thị Lệ, sinh năm 1944, hiện  trú  tại số 5 Lê Văn Tách, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh liên tục có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi, phản ánh: “Tôi được chồng (ông Hoàng Đôn Thận) ủy quyền khiếu nại đòi đất bị chiếm đoạt và yêu cầu cấp chủ quyền sử dụng 64ha đất tại phường Long Bình, quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương xem xét, kiến nghị, nhưng UBND quận 9 và TP. Hồ Chí Minh vẫn không giải quyết”. Quyền sử dụng đất của gia đình bà Lệ bị chiếm đoạt như thế nào? …
Nguồn gốc đất
Năm 1964, ông Hoàng Đôn Thận (khi đó còn độc thân) mua của bà Phạm Thị Dung 71 ha đất tại xã Long Bình, tổng Long Vĩnh Hạ, tỉnh Gia Định với giá 120.000 đồng, được chứng thư thị phần tại xã Long Bình ngày 30/5/1964, trước bạ tại Gia Định ngày 20/5/1968, đăng kí ngày 27/6/1968. Trên đất này gia đình ông Thận trồng 446.000m2 cây cao su, số diện tích còn lại 259.600m2 trồng bạch đàn (hiện vẫn còn một số cây bạch đàn cổ thụ trên đất). Tháng 5 năm 1974 ông Thận làm giấy giao ước giữ đất với ông Cao Văn Tư để ông Tư trông nom chăm sóc phần đất 71ha, hàng tháng trả tiền trông nom cho ông Tư. Toàn bộ phần đất 71hađược kê khai theo Chỉ thị 299/TTg.

Năm 1991, UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy Bê – tông thuộc Công ty Khai thác nước sông Sài Gòn, diện tích đất của gia đình ông Thận bị giải tỏa khoảng 7ha. Để được đền bù 7ha đất này, gia đình ông Thận phải làm thủ tục xác nhận chủ quyền đất của mình. Cụ thể: ngày 30/12/1991, UBND phường 15, quận 11 xác nhận ông Hoàng Đôn Thận không thuộc diện cải tạo; ngày 01/4/1992, cơ quan quản lí ruộng đất TP. Hồ Chí Minh có Công văn số 246/CV-TTCP đề nghị Công ty Khai thác nước sông Sài Gòn đền bù 7ha đất; ngày 19/9/1992, Chủ tịch UBND huyện Thủ Đức có công văn 741/CV-UB đề nghị đền bù đất đai, hoa lợi cho gia đình ông Thận; ngày 19/5/1993, Chủ tịch xã Long Bình, quận Thủ Đức xác nhận đất đang khiếu nại thuộc chủ quyền của gia đình ông Thận; ngày 20/10/1993, Ban Vật giá Thành phố có Công văn số 647/VGTP-VB xác định đơn giá đền bù đất cho gia đình ông Thận là 3.200đ/m2. Đến tháng 3/1995, Công ty Khai thác nước sông Sài Gòn chi trả tiền đền bù 7ha đất cho gia đình ông Thậnbằng ủy nhiệm chi qua Ngân hàng Công thương Thành phố.
Như vậy, rõ ràng toàn bộ 71ha đất trên thuộc chủ quyền sử dụng hợp pháp, đủ điều kiện để Nhà nước công nhận chủ quyền sử dụng. Nhưng …
Phớt lờ kiến nghị của cấp trên!
Suốt từ năm 1995 trở lại đây, gia đình ông Thận nhiều lần đi lên đi xuống UBND quận Thủ Đức và sau này là UBND quận 9 đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần diện tích còn lại 64ha nhưng đều không được giải quyết. Suốt từ đó đến nay, UBND quận 9 cũng chưa ban hành quyết định giải quyết đơn khiếu nại của gia đình ông Thận. Ròng rã 19 năm (từ năm 1995 tới nay) hai vợ chồng (ông Thận, bà Lệ) đã gửi đơn nhiều nơi như: Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước nhưng các nơi này đều có văn bản trả lời đơn đã được chuyển về Thanh tra Chính phủ hoặc chuyển về UBND TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 20/5/1998, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn kí Quyết định số 496/QĐ-TTg về việc giao đất xây dựng Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc tại phường Long Bình (trong đó có một phần diện tích đất của gia đình ông Thận) nhưng cho tới thời điểm này Dự án này vẫn chưa được triển khai. Và, việc đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi thu hồi đất thực hiện Dự án này đã không được chủ đầu tư đề cập tới.
Bà Lệ trao đổi với phóng viên: “Gia đình tôi quá bức xúc, mệt mỏi vì “dự án treo”, đất không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng, chúng tôi liên tục làm đơn khiếu nại mà chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Thậm chí, Trung ương đã xem xét và có văn bản yêu cầu giải quyết đơn của gia đình chúng tôi. Năm 2007, cơ quan Thanh tra Chính phủ đã thành lập Đoàn thanh tra số 2567/QĐ-TTCP về làm việc 4 vụ khiếu nại tại quận 9, trong đó có vụ việc khiếu nại của gia đình tôi. Tại biên bản làm việc với UBND quận 9 ngày 25/2/2008, ông Nghiêm Sỹ Minh, Trưởng đoàn Thanh tra đã có ý kiến:“Việc sử dụng đất của gia định ông Thận là có quá trình sử dụng, ông Thận có kê khai đăng kí nhưng chưa được cấp giấy. Đề nghị UBND quận 9 xem xét về việc bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định pháp luật”. Và, sau đó Thanh tra Chính phủ đã có 2 công văn đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, nhưng mọi việc vẫn rơi vào im lặng.”
Và tự tung tự tác để chiếm đoạt!
Đơn kêu cứu, bà Lệ viết: “Ngày 8/1/2008, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 75/QĐ-UBND về việc thu hồi đất 978.491m2 đất tại phường Long Bình, quận 9 để chỉnh trang và phát triển đô thị. Qua tìm hiểu, gia đình tôi được biết một số hộ dân đã lấn chiếm, làm nhà trên diện tích 18,5ha thuộc phần đất 64ha đang có khiếu nại nói trên (trong đó có nhiều hộ là người thân của lãnh đạo quận 9 đã có tên trong danh sách nhận tiền bồi thường do Ban bồi thường Giải phóng mặt bằng quận 9 lập và chi trả. Trong đó, có trường hợp ông Cao Văn Tư, người mà gia đình tôi kí hợp đồng trông coi khu đất và cũng là người đại diện Hội Nông dân tập thể kí vào biên bản xác nhận khi gia đình tôi đăng kí kê khai theo Chỉ thị 299/CC-TTg, cùng 5 người con và một người cháu có tên trong danh sách nhận đền bù đất của gia đình tôi tới 51 tỉ 707 triệu đồng. Riêng gia đình và người thân của ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 9, chiếm giữ đất của gia đình chúng tôi (phía sau 3 biệt thự là hàng chục ngàn m2). Ngoài ra, gia đình ông Thành còn chiếm đất của gia đình chúng tôi để khai thác đất làm lò gạch với diện tích cũng hàng chục ngàn m2. Tại phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư số 86/PABT-HĐBT do Phó Chủ tịnh UBND quận 9, kiêm Chủ tịch HĐBTGPMB Nguyễn Văn Thành kí duyệt thể hiện có nhiều hộ là người thân của ông Thành chưa bao giờ sử dụng đất nhưng cũng có tên để nhận nhiều chục tỉ đồng. Tôi cực lực lên án và phán đối việc làm trái với quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi. Tôi đã làm đơn ngăn chặn khẩn cấp trực tiếp gửi UBND quận 9, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Hồ Chí Minh, yêu cầu tạm dừng việc đền bù không đúng đối tượng, nhằm làm giảm thiệt thòi, rủi ro cho gia đình tôi. Là người dân lương thiện, gia đình tôi chỉ muốn bảo vệ thành quả, công sức và tiền bạc mà chúng tôi đã gửi gắm vào đất. Tôi không tin quan điểm của Nhà nước ta thay đổi sau 15 năm, bởi năm 1993, ông Huỳnh Phú Sang, Trưởng Ban quản lí ruộng đất TP Hồ Chí Minh, đại diện cho Nhà nước công nhận đất này là của gia đình tôi, đã đền bù cho tôi khi Công ty khai thác nước sông Sài Gòn lấy làm Dự án Bê – tông dự ứng lực. Tôi thiết tha mong ông Tổng Biên tập hãy bằng uy tín của mình, cùng các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nội dung sự việc tôi trình bày trong đơn này để trả lại công bằng cho gia đình tôi.”
Như vậy, có nhiều vấn đề đặt ra: phần đất 64ha có nguồn gốc gia đình ông Thận có quá trình sử dụng, có kê khai đăng kí, nhưng tại sao chưa được Nhà nước công nhận chủ quyền?; quyền sử dụng đất này đã và đang bị “chia 5, xẻ 7” là do ai? Việc đền bù không đúng đối tượng là do ai? Trong khi, điều dễ thấy là tự thân các hộ dân (kể cả người thân của lãnh đạo quận 9) không thể tự ý vào chiếm giữ đất và có tên trong danh sách nhận tiền đền bù, nếu như không có việc tự tung tự tác của một số cán bộ ở quận 9 (kể cả lãnh đạo có thẩm quyền)!
Đây là vụ xâm phạm quyền công dân một cách trắng trợn, Báo Người cao tuổi kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương vào cuộc để thanh tra toàn diện vụ việc trên đây. Qua đó, giải quyết, kết luận những vấn đề phản ánh trong nội dung bài viết này theo quy định của Luật Báo Chí.
                                                                                                                                       Dương Bình

 Nguồn : Báo người cao tuổi