(Tin tức thời sự) - Khi người vi
phạm giao thông cự cãi với cảnh sát, họ thường “ngẫu nhiên” va chạm với một
nhóm “người lạ”.
Cái chết bất thường của ông Nguyễn Văn Chín sau khi bị CSGT gọi vào đo nồng
độ cồn, CA TP HCM cho biết nhóm CSGT đã thực hiện đúng quy trình, chưa thấy mối
liên hệ nhân quả nào giữa việc ông Chín tử vong và chuyện bị xử lý vi phạm giao
thông.
|
Bức
ảnh chụp lại cảnh người vi phạm giao thông bị “người lạ” hành hung ngay trước
mặt CSGT (ảnh báo Thanh Niên)
|
Về vụ việc ông Nguyễn Văn Chín (44 tuổi, ngụ hẻm 1050 Quang Trung, Gò Vấp,
TP Hồ Chí Minh) bị nhóm người lạ đánh đến tử vong sau khi bị CSGT đo nồng độ
cồn ở khu vực ngã tư Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Bình, TP.HCM), báo
Pháp luật TP Hồ Chí Minh thông tin: “Thiếu tá Nguyễn Quang Thắng - Phó Chánh
Văn phòng Công an TP.HCM cho biết qua kiểm tra bước đầu tổ CSGT làm nhiệm vụ
hôm xảy ra sự việc đã thực hiện đúng các quy trình công tác.
Thiếu tá Nguyễn Quang Thắng nhấn mạnh chưa thấy có mối liên hệ nhân quả
giữa việc ông Chín bị xử phạt vi phạm giao thông vào đêm 25/6 với việc ông bị
tử vong (kể cả bị hành hung). Hiện tổ CSGT thuộc đội CSGT - Công an quận Tân
Bình làm nhiệm vụ đêm 25/6 trên đường Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý vẫn công
tác bình thường.
Lời giải thích này của người đại diện Công an TP Hồ Chí Minh không phải là
điều bất ngờ với nhiều độc giả. Bởi vì đây không phải lần đầu có chuyện người
bị xử lý vi phạm giao thông bị người lạ hành hung đến chết và không phải lần
đầu tiên, đại diện lực lượng công an đưa ra giải thích này.
Trong bài báo: “Thấy gì từ những vụ bị “người lạ” đánh dằn mặt sau khi có
“va chạm” với CSGT”, tác giả cho biết: “Có thể nói vụ người vi phạm giao thông
bị “người lạ” đánh ngay trước mặt nhóm CSGT xảy ra trên cung đường Nguyễn Hữu
Cảnh, quận 1 hồi cuối năm 2012 đã mở màn cho những sự việc tương tự, nhưng hậu
quả ngày càng nghiêm trọng hơn về sau.
Ngày 28/6/2013, các nhà báo đã trực tiếp quay được cảnh một người đàn ông
mặc thường phục luôn "sánh đôi" cùng nhóm CSGT trên đường Nguyễn Hữu
Cảnh. Người này đã lao vào đánh người vi phạm giao thông mà cảnh sát thổi lại
ngay trước mắt nhóm cảnh sát. Đáng nói là nhóm CSGT này chỉ đứng nhìn chứ không
có bất cứ hành động can thiệp nào”.
Và trường hợp xấu số như ông Nguyễn Văn Chín không phải là cá biệt. Bài báo
trên cho biết, tháng 4-2013, ông Trần Văn Hiền (42 tuổi, ngụ Bình Tân, TP.HCM)
cùng một người bạn nữa chạy xe về nhà sau một cuộc nhậu.
Khi đến đoạn đường Lê Trọng Tấn quận Tân Phú, ông Hiền bị CSGT chặn lại,
yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Dù đã “lót tay” để cho qua nhưng không được, sẵn
hơi men, ông Hiền đã cự cãi với nhóm CSGT rồi bắt xe ôm về nhà. Thế nhưng, ngay
khi đi khỏi vị trí trên khoảng 300 mét thì có hai thanh niên mặc thường phục,
đi trên một chiếc xe SH đuổi theo. Ông Hiền bị hai người này kéo ngã xuống
đường và bị đánh cho đến khi ngất xỉu. Đánh xong, hai thanh niên này bỏ đi còn
nạn nhân Hiền tử vong sau đó.
Nội dung thông tin phản hồi của phía công an về “vụ ông Hiền” cũng không
khác gì “vụ ông Chín”, phía CSGT khẳng định không hề có tranh cãi với nạn nhân
và hoàn toàn không hay biết về vụ ẩu đả đêm đó cho đến khi báo chí đưa tin.
Chỉ cần xâu chuỗi lại một chút thì bạn đọc nào dẫu có chỉ số thông minh
bình thường nhất cũng hiểu ra một vấn đề thế này: Khi người vi phạm giao thông
cự cãi với cảnh sát, họ thường “ngẫu nhiên” va chạm với một nhóm “người lạ”.
Tuy nhiên, CSGT thường không hề biết đến cuộc va chạm này và đặc biệt là
không hề có mối liên quan nào đến nhóm “người lạ”. Như lời ông Chánh Văn phòng
Công an TP Hồ Chí Minh là “chưa thấy có mối liên hệ nhân quả giữa việc ông Chín
bị xử phạt vi phạm giao thông vào đêm 25/6 với việc ông bị tử vong (kể cả bị
hành hung)”.
CSGT dĩ nhiên là không có gì lạ bởi họ mặc sắc phục thể hiện quyền lực
được người dân đóng thuế trao cho họ để họ đảm bảo an toàn trật tự
cho xã hội, thực thi công lý, công bằng theo tinh thần thượng tôn pháp
luật.
Nhóm người đánh chết dân sau khi họ gặp CSGT dĩ nhiên là các anh CSGT đã
khẳng định đó "người lạ" rồi, còn những người dân bị "người
lạ" đánh tưng bừng, người bị đánh chết rồi thì không nói được nữa, những
người dân sống sót sau trận "đòn lạ" ấy đều khẳng định họ không
có quan hệ gì với đám "người lạ" đã đánh họ, từ đó có thể suy ra
những người dân bị đánh, xét từ cái nhìn của đám côn đồ kia, hẳn nhiên cũng là
"dân lạ"!
Nghĩa là, nếu không xác định được mối quan hệ biện chứng
nhân quả giữa các sự việc hiển nhiên thì chỉ có đám côn đồ lạ, dân
lạ....mà thôi! Mà phải phân biệt rõ "người lạ" với "người dưng
nước lã" nhé, khác nhau lắm đấy.Nói cho vuông, thế nhé!
Từ ý kiến phản hồi của người đọc trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, vấn đề
đặt ra là nên có một lực lượng điều tra độc lập (không hề liên quan đến lực
lượng công an) để điều tra rõ ràng trắng đen những vụ việc này. Đề xuất này là
hoàn toàn xác đáng, tuy nhiên, từ trước tới nay, điều này chưa từng có trong
thực tế.
Như vậy, những trường hợp nạn nhân đã chịu một cái chết đau đớn oan khiên
như ông Hiền, ông Chín có lẽ sẽ phải chấp nhận số phận không may của mình.
Không may vì họ luôn “ngẫu nhiên” va chạm với “người lạ” sau khi cãi vã với
CSGT, không may vì họ đã mãi mãi nằm im dưới những nấm mồ.
Tôi muốn kể cho bạn đọc nghe một câu chuyện đẹp về người cảnh sát Nhật Bản
đang lan truyền trên mạng xã hội vài hôm nay, từ một phiên dịch người Việt ở
Nhật, cô được mời đến để phiên dịch cho một tu nghiệp sinh bị bắt vì tham gia
trộm cắp trong một cửa hàng.
Mặc dù người bị bắt luôn miệng chối tội rằng mình không biết gì nhưng ông
cảnh sát tầm 50 tuổi, người to béo đã rất nhẹ nhàng giải thích cho người đó
hiểu rằng cậu ta đang đánh mất cả tương lai của mình. Người trẻ tuổi đã khóc,
cuối cùng cũng nhận tội và mong sự nương nhẹ.
Người phiên dịch kể lại: “Khi ra về, ông cảnh sát nói với tôi: cảnh sát có
2 nhiệm vụ chính. Một là bắt kẻ phạm tội. Hai là giáo dục người đã phạm tội
không bao giờ tái phạm hoặc răn đe để người bình thường không phạm tội”.
Những lời vị cảnh sát người Nhật nói có gì cao siêu không thưa bạn đọc? Có
khó thực hiện không? Không hề! Tôi nhớ lực lượng Công an nhân dân Việt Nam còn
có 6 điều Bác Hồ dạy vô cùng ngắn gọn, thấm thía, trong đó đặc biệt có điều thứ
4: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”.
Đặt hai câu chuyện này cạnh nhau, chúng ta sẽ hiểu điều gì đang thực sự
diễn ra. Và nếu bạn cũng cảm thấy buồn như tôi, thì hãy nói ra suy nghĩ của
mình.
- Mi An Nguồn: Báo Đất Việt