Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Thu hồi đất tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội): Sai phạm nối tiếp sai phạm




(PetroTimes) - Hàng loạt sai phạm trong quá trình thu đồi đất nông nghiệp, như không có quyết định thu hồi đất, không lập phương án đền bù, không họp dân thông báo công khai dự án... đã được làm rõ. Tuy nhiên, thay vì sửa sai thì chính quyền huyện Mỹ Đức lại có hàng loạt các sai phạm khác về mặt tố tụng.
Năng lượng Mới số 313
Mất ruộng lại phải ngồi tù
Báo Năng lượng Mới nhận được đơn của người dân thôn Đục Khê (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) tố cáo hàng loạt sai phạm của chính quyền địa phương. Năm 2008, các dự án đường giao thông, công trình giáo dục được triển khai xây dựng trên địa bàn xã Hương Sơn. Đất phục vụ cho các dự án đều thuộc diện Nhà nước thu hồi theo Luật Đất đai 2003. Thế nhưng, thay vì tổ chức họp dân để công khai dự án, ban hành quyết định thu hồi, kiểm kê diện tích, bồi thường… chính quyền huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn lại “âm thầm” bật đèn xanh cho đơn vị thi công “nhảy dù” vào ruộng của người dân đang canh tác.
Hành động coi thường người dân của chính quyền khiến cho những người quanh năm chân lấm tay bùn hết sức bất bình. Dự án đầu tư xây dựng đường nối từ khu di tích Hương Sơn đến khu du lịch Tam Trúc (Hà Nam) là dự án lớn nằm trên địa bàn thôn Đục Khê, với tổng kinh phí đầu tư gần 200 tỉ đồng, nhưng người dân cũng không được chính quyền “tiết lộ” về quyết định thu hồi đất (?). Trong khi đó, ruộng của người dân thôn Đục Khê nói chung và đất nằm trong dự án đường nối từ khu di tích Hương Sơn đến khu du lịch Tam Trúc nói riêng là đất ruộng nông nghiệp được Nhà nước giao cho người dân sử dụng từ năm 1988.
Ngày 12/7/2013, UBND huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn cùng lực lượng công an... điều động máy xúc, máy ủi tới ruộng lúa của người dân thôn Đục Khê để giải phóng mặt bằng, thi công dự án đường nối từ khu di tích Hương Sơn đến khu du lịch Tam Trúc. Thấy việc thu hồi đất của chính quyền không đúng trình tự, thủ tục và thiếu minh bạch nên nhiều người mất ruộng đã liều mình xông vào gầu máy xúc ngăn cản. Và rồi, hành động ấy bị Công an huyện Mỹ Đức bắt giữ về hành vi “chống người thi hành công vụ”. Trong số 10 người bị bắt thì có đến 9 người là phụ nữ chân yếu tay mềm. Ngày 2/10/2013, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Mỹ Đức ký quyết định truy tố 10 công dân trên về tội danh “Chống người thi hành công vụ”.
Sau hơn 8 tháng điều tra với 3 lần trả hồ sơ, ngày 28/2/2014 Tòa án Nhân dân huyện Mỹ Đức đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tiếng là xét xử công khai, nhưng cơ quan chức năng lại cấm người dân và báo chí tham dự. Phiên tòa chỉ diễn ra trong vòng 15 phút đã bị Hội đồng xét xử trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để củng cố hồ sơ, điều tra lại từ đầu. Theo Luật sư Hoàng Ngọc Biên (Văn phòng Luật sư Cát Tường), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho vợ chồng bị cáo Đinh Văn Chính và Lê Thị Thu, việc tiến hành bắt giữ cả 2 vợ chồng anh Chính khi đang nuôi 3 con nhỏ (đứa lớn nhất 16 tuổi, đứa nhỏ 12 tuổi) mà không thực hiện quyền bảo vệ và chăm sóc trẻ em, không có người giám hộ trông nom là vi phạm pháp luật.
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với những người dân ngăn cản đơn vị thi công dự án được Trưởng Công an huyện Mỹ Đức ủy quyền cho Trưởng Công an xã Hương Sơn có hiệu lực hết ngày 3-9-2013, nhưng đến ngày 28-9-2013, Trưởng Công an xã vẫn ký 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thế nhưng, chính những người được cho là vi phạm hành chính cũng không hề nhận được quyết định nào về việc xử phạt vi phạm hành chính từ phía cơ quan công an.
Huyện và xã cùng sai phạm
Từ lá đơn tố cáo của người dân Đục Khê, hàng loạt các sai phạm trong quản lý đất của chính quyền xã Hương Sơn và huyện Mỹ Đức đã được Thanh tra TP Hà Nội làm rõ. Theo Thông báo số 202/TB-UBND của UBND TP Hà Nội, dự án xây dựng tuyến đường Đục Khê đi Tiên Mai được UBND tỉnh Hà Tây cũ quyết định phê duyệt. Tháng 5-2009, khi triển khai dự án, chính quyền huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn không tổ chức họp dân để công bố công khai dự án, không ban hành quyết định thu hồi đất, giao đất, không kê khai, kiểm đếm, điều tra xác nhận nguồn gốc đất. Chính quyền huyện Mỹ Đức không lập phương án giải phóng mặt bằng, không có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân, mà vội ký hợp đồng và cho đơn vị trúng thầu tổ chức thi công, san lấp mặt bằng vào đất nông nghiệp của các hộ dân đang canh tác.
Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng cho biết, việc làm của chính quyền huyện Mỹ Đức là không đúng với các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng đất, trình tự thu hồi và bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Các dự án đường số 2 nối sang đường số 3, Trường mầm non Hương Sơn B, Trường tiểu học Hương Sơn B, sân vận động Hương Sơn, đường dẫn vào trường tiểu học và đường Đục Khê đi Tiên Mai đều thuộc dự án do Nhà nước thu hồi. Trong 6 dự án, duy nhất có Dự án đường Đục Khê đi Tiên Mai có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Hà Tây cũ, các dự án còn lại chỉ dừng lại ở văn bản giao nhiệm vụ chủ đầu tư là xã Hương Sơn. Ấy vậy mà lãnh đạo xã này không làm thủ tục thu hồi đất, không lập dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, mà vội thi công dự án trái với quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sau thu hồi...
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng chỉ rõ trách nhiệm thuộc về lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn nhiệm kỳ 2007-2010. Đồng thời cho rằng, theo quy định của pháp luật, các dự án nói trên phải bị cưỡng chế tháo dỡ trả lại nguyên trạng. Tuy nhiên, do các công trình này đều phục vụ mục đích công cộng, phúc lợi giao thông của nhân dân và đã xây dựng xong nên việc khôi phục nguyên hiện trạng ban đầu là không phù hợp.
Thành phố Hà Nội cũng làm rõ sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp của chính quyền thôn Đục Khê và xã Hương Sơn. Trong quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa năm 2006, lãnh đạo các xóm thuộc thôn Đục Khê đã giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân không đúng đối tượng, không đúng Nghị định 64/NĐ-CP. UBND xã Hương Sơn thiếu trách nhiệm để các trưởng thôn, xóm tùy tiện điều chỉnh, chuyển đổi, giao đất trái thẩm quyền. Các trưởng, phó xóm, thôn giao đất còn cho mượn đất nông nghiệp. Đây là việc làm vi phạm pháp luật vì cấp thôn, xóm không có quyền về giao đất. Đất công ích không xét giao cho các hộ mà do UBND xã quản lý, cho hộ gia đình, cá nhân thuê để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Việc các thôn tùy tiện điều chỉnh, chuyển đổi quỹ đất 5% và xét giao cho các hộ sử dụng đất này là trái pháp luật.
Dù sai phạm đã được UBND thành phố Hà Nội làm rõ, nhưng cách xử lý vẫn chưa triệt để. Mặc dù chính quyền huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn đã làm sai quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và đền bù đất, nhưng thành phố vẫn chỉ yêu cầu các đơn vị này nghiêm tục rút kinh nghiệm. Cách làm của thành phố Hà Nội đang tạo dư luận không tốt trong xử lý sai phạm. Còn những người nông dân đứng ra ngăn chặn việc làm sai trái của chính quyền xã lại bị bắt giam và gắn vào cái tội chống người thi hành công vụ. Thiết nghĩ, thành phố Hà Nội cần sớm làm sáng tỏ những uẩn khúc xung quanh dự án này nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho công dân.
                                                                                                                         T.Minh

Vẫn “Một câu nói 5 năm tù”
Theo Tuoi Tre
- Sáng 7-7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo trong vụ chống người thi hành công vụ xảy ra tại huyện Mỹ Đức, tuyên y án bị cáo Đinh Văn Chính và tám bị cáo khác (có kháng cáo kêu oan).
  •  








Description: http://images.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=717728

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: Việt Dũng
Phiên tòa ngày 7-7 có rất đông người dân xã Hương Sơn đến dự. Họ mang theo băngrôn khẩu hiệu đề nghị tòa trả tự do cho các bị cáo, tuy nhiên đa số người dân không được vào tòa.
Ở phiên tòa sơ thẩm, vợ chồng bị cáo Đinh Văn Chính và các luật sư đã đề nghị tòa làm rõ việc bị cáo Chính bị ung thư máu, cả hai vợ chồng bị bắt về hành vi phạm tội không nguy hiểm nhưng một trong hai người xin tại ngoại để chăm con đều không được. Khi cả hai vợ chồng ông Chính bị bắt, cơ quan điều tra không giao người giám hộ con (hai con dưới 14 tuổi) và tài sản cho họ. Bị cáo Đinh Thị Hà có con nhỏ dưới 3 tuổi, đã ly hôn, con bị u máu bẩm sinh, nhưng khi Hà bị bắt, con bị cáo cũng không được giao cho người giám hộ. Bị cáo xin tại ngoại chăm con nhưng không được xem xét.
Mấu chốt là chuyện thu hồi đất





Các mức án

Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức xử sơ thẩm ngày 26-4-2014, tuyên phạt ông Đinh Văn Chính (44 tuổi) 5 năm tù về tội chống người thi hành công vụ.

Các bị cáo Lê Thị Thu (38 tuổi, vợ ông Chính), Trịnh Thị Nhung, Đinh Thị Hà bị phạt 12 tháng tù, sáu bị cáo còn lại có mức án từ 6 tháng tù (án treo) đến 9 tháng tù. Các bị cáo được cho là đã mang quan tài, thắp hương khấn vái, cản trở lực lượng thi công dự án đường nối khu du lịch Hương Sơn với dự án đường Khả Phong - Tam Trúc. 
Bị cáo Lê Thị Thu (vợ bị cáo Chính) khai ở cơ quan điều tra, bị cáo bị ép cung đến mức uất ức quá phải dùng liềm cắt tay tự tử, sau đó bị cáo được đưa đi cấp cứu... Tình tiết này đã bị bản án sơ thẩm nhận định không có căn cứ. Tại tòa phúc thẩm, các luật sư đề nghị đại diện Viện kiểm sát có quan điểm về việc này, vì có chứng cứ là các bức ảnh chụp tay bị cáo Thu bị thương, đi cấp cứu ở trạm xá... Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát và hội đồng xét xử không nhắc đến vấn đề này.
Cũng giống như phiên tòa sơ thẩm, tuy là phiên tòa phúc thẩm về vụ án hình sự nhưng vấn đề thu hồi đất, mất đất vẫn được các bị cáo, luật sư và hội đồng xét xử nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần và trở thành điểm mấu chốt của vụ án. Trình bày trước tòa, tất cả bị cáo đều khóc và cho rằng mình bị oan, là dân nghèo mất đất nhưng cuối cùng lại rơi vào vòng lao lý.
Trả lời tòa, bị cáo Đinh Văn Chính cho biết đất của gia đình bị cáo được UBND xã Hương Sơn phân cho gia đình sử dụng từ năm 1988. Việc UBND xã Hương Sơn và UBND huyện Mỹ Đức thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng không có quyết định thu hồi, không kê khai kiểm đếm, không lên phương án giải phóng mặt bằng, không đền bù đất... làm ông và bà con nhân dân rất bức xúc.
“Gia đình tôi có sáu người, có cả thảy 40 thửa đất nhưng chính quyền thu hồi mất 34 thửa, chỉ còn 6 thửa thì cả nhà tôi biết lấy gì mà ăn?” - ông Chính nói.
Trả lời tòa về nguyên nhân cản trở lực lượng thi công dự án, tất cả bị cáo đều cho biết họ thấy chính quyền làm không đúng pháp luật, quyền lợi của bị cáo bị xâm phạm, việc mang quan tài rỗng ra, thắp hương khấn vái tại công trình là hành vi tự vệ chính đáng để bảo vệ tài sản; đất chưa thu hồi, chưa kê khai kiểm đếm nên các bị cáo có quyền trên đất của mình.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa cho rằng trước giờ thi công, bị cáo Chính có đến hiện trường, có lời nói thể hiện quyết tâm giữ đất đến cùng. Tuy nhiên, khi hành vi chống đối lăng mạ lực lượng thi công xảy ra, bị cáo không có mặt tại hiện trường. Án sơ thẩm cho rằng bị cáo đặt mua quan tài là không thuyết phục, chưa đủ chứng cứ. Về việc cơ quan công an khám xét nhà bị cáo Chính có băngrôn, giấy tờ nói xấu chính quyền, các chứng cứ này không liên quan đến hành vi chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, bị cáo có lời nói kích động bà con chống người thi hành công vụ nên có đủ căn cứ kết tội, không bị oan (đó là câu: “Đất chưa có quyết định thu hồi, bà con kiên quyết giữ đất đến cùng, không sợ chết. Nếu tôi chết đừng chôn tôi vội mà hãy bỏ tôi vào quan tài chở tôi ra Văn phòng Chính phủ” - PV). Đại diện Viện kiểm sát cho rằng bị cáo có nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng, hình phạt 5 năm tù mà án sơ thẩm tuyên là có phần nghiêm khắc, vì vậy đề nghị hội đồng xét xử giảm án cho bị cáo Chính, còn từ 4 năm đến 4 năm 6 tháng tù. Đối với các bị cáo khác, xét thấy tòa sơ thẩm đã xem xét tình tiết tăng nặng giảm nhẹ nên Viện kiểm sát đề nghị tòa y án đối với các bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát không đối đáp
Bào chữa cho các bị cáo, tất cả luật sư đều đề nghị tòa xem xét nguyên nhân khiến các bị cáo phạm tội và đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung xem ai là người thi hành công vụ trong vụ án. Luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Đinh Văn Chính) cho rằng người thi hành công vụ là ai, án sơ thẩm chưa chỉ ra được, hồ sơ vụ án không hề có bút lục của bị hại. Luật sư Biên cho rằng hai lái xe của Công ty Xuân Trường (đơn vị 100% vốn tư nhân) không phải là người thi hành công vụ. “Bản chất của vụ án là gì? Là cơ quan công quyền không chia sẻ với dân, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái pháp luật nhưng cấp sơ thẩm bảo vệ cái sai của chính quyền. Vì vậy vụ án không có người thi hành công vụ vẫn nại ra hai lái xe để có vụ chống người thi hành công vụ. Dù không đủ yếu tố cấu thành tội phạm vẫn kết án các bị cáo, đẩy thân phận của người dân nghèo mất đất đến một vụ án hình sự” - luật sư Biên nói.
Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh (bào chữa cho vợ chồng bị cáo Đinh Văn Chính) đặt vấn đề có hay không việc hình sự hóa một quan hệ hành chính. “Chúng ta phải đối chiếu với Luật đất đai và các quy định của pháp luật để thấy UBND huyện Mỹ Đức chưa làm đúng trách nhiệm đối với người sử dụng đất” - luật sư Thanh nói.
Các luật sư đã nhiều lần đề nghị đại diện Viện kiểm sát tranh luận các vấn đề: những vi phạm tố tụng trong vụ án, việc bị cáo Thu khai bị bức cung, ai là người thi hành công vụ trong vụ án... để các bị cáo phải tâm phục khẩu phục. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát không tranh luận lại mà chỉ nói “tôi bảo lưu các quan điểm và tùy hội đồng xét xử xem xét”.
TÂM LỤA