Theo tin từ một số bạn bè Trương Duy Nhất, phiên phúc
thẩm vụ án Trương Duy Nhất đã diễn ra tại tòa án tối cao Đà Nẵng sáng nay, ngày
26/6/2014. Phiên tòa bắt đầu từ 8h30, gần như không có tranh biện và kết thúc
chóng vánh vào lúc 10h kém 15. Trương Duy Nhất vẫn bị tòa phúc thẩm tuyên y án
với 2 năm tù giam theo điều 258 Bộ luật hình sự.
Sau đây là bài bào chữa của luật sư Trần Vũ Hải.
BÀI BÀO CHỮA CHO BỊ CÁO TRƯƠNG DUY NHẤT TRONG
PHIÊN TÒA XÉT XỬ PHÚC THẨM NGÀY 26/6/2014 TẠI TÒA PHÚC THẨM - TÒA ÁN NHÂN
DÂN TỐI CAO TẠI ĐÀ NẴNG
(Những nội dung chính)
Luật sư Trần Vũ Hải
A. Tóm tắt vụ
án:
Ông Trương Duy Nhất (TDN) là chủ trang web
truongduynhat.vn từ ngày 01/12/2010 (trước đó có một sốtrang blog khác).
Trang truongduynhat.vn đã đăng tải trên 1000 bài viết của TDN và một
số người khác cho đến khi TDN bị Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) - Bộ Công An
bắt khẩn cấp vào ngày 26/5/2013 theo điều 258 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Ngày 19/11/2013, Cơ quan ANĐT có bản Kết luận
điều tra số 14/ANĐT và ngày 17/12/2013, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao
(VKSTC) có Cáo trạng số 03/VKSTC-V2 cáo buộc TDN tội “lợi dụng các
quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích
hợp pháp của tổ chức, công dân” qui định tại điều 258 BLHS. Ngày
04/3/2014, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng (TAND ĐN) đã đưa vụ án ra xét
xử sơ thẩm và tuyên bị cáo TDN 2 năm tù giam theo khoản 2, điều 258
BLHS. Bị cáo TDN đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, kêu oan.
B. Quan điểm của luật sư Trần Vũ Hải về vụ
án:
I. Việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm đối với TDN
chưa thực hiện đúng theo Bộ luật Tố tụng Hình sự (BL TTHS), chưa theo đúng
những quy định của Hiến pháp 2013.
1. Cơ quan ANĐT không có thẩm quyền điều tra ông
TDN về điều 258 BLHS
Điều 12 Pháp lệnh về Tổ chức
điều tra hình sự 2004 (sửa đổi năm 2006, 2009) quy định về thẩm quyền
điều tra của Cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân:
1. Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp
tỉnh điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XI, Chương
XXIV và các tội phạm quy định tại các điều 180, 181, 221, 222, 223, 230, 231,
232, 236, 263, 264, 274 và 275 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc
thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh.
2. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra các vụ
án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền
điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh quy định tại khoản 1
Điều này nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Như vậy, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an không có thẩm
quyền điều tra các vụ án hình sự quy định tại điều 258 BLHS. Việc Cơ
quan này đã khởi tố và điều tra đối với ông TDN theo điều 258 BLHS là
trái thẩm quyền điều tra, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nên Kết
luận điều tra của cơ quan này đối với ông TDN không có giá trị pháp
lý.
2. Về việc bắt khẩn cấp ông TDN là không có căn
cứ
TDN bị bắt theo lệnh bắt khẩn cấp của Cơ quan
ANĐT.
Theo quy định tại khoản 1 điều 81 BL TTHS, những
trường hợp sau đây thì bị bắt khẩn cấp:
a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị
thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra
tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm
mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại
chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc
người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
Trường hợp ông TDN không thuộc các đối tượng trên,
do vậy việc Cơ quan ANĐT bắt khẩn cấp đối với ông TDN là không có căn
cứ, vi phạm quy định trên của BL TTHS.
3. Về bản Kết luận Giám định (KLGĐ) ngày
04/11/2013 của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT): Những người ký KLGĐ
không phải là những giám định viên hợp lệ theo quy định của pháp
luật.
a. Kết luận điều
tra của Cơ quan ANĐT và Cáo trạng của VKSTC đều căn cứ vào KLGĐ ngày
04/11/2013 của các thành viên giám định tập thể, Bộ TT-TT, trong đó có ông
Đặng Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ này ký, điều phối việc giám
định tập thể.
b. Theo điều 20 Luật
Giám định Tư pháp:“…Bộ Thông tin và Truyền thông… có trách nhiệm lựa chọn,
lập và hằng năm công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức
giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để đáp ứng
yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng. Danh sách kèm theo thông tin về chuyên
ngành giám định, kinh nghiệm, năng lực của người giám định tư pháp theo vụ
việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc được đăng tải trên cổng thông tin
điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư
pháp để lập danh sách chung”.
Theo khoản 1 điều 23 Nghị định 85/2013/NĐ-CP: “Các
Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại Khoản 1 Điều 20 của
Luật Giám định tư pháp có trách nhiệm rà soát, lựa chọn, lập và công bố danh
sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ
việc trước ngày 30 tháng 11 hàng năm”.
Chúng tôi đã tra cứu trên trang điện tử của Bộ
TT-TT nhưng không thấy đăng tải danh sách giám định viên vụ việc, tổ chức
giám định viên vụ việc, do vậy ngày 12/12/2013, chúng tôi đã gửi thư tới
Bộ TT - TT để hỏi thông tin và ông Đặng Anh Tuấn đã có văn bản số
3765/BTTTT-PC ngày 23/12/2013 thừa nhận Bộ TT-TT chưa thực hiện theo quy
định trên. Ông Tuấn cũng cho biết, khi lựa chọn người có đủ điều
kiện theo quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp để giới thiệu
thực hiện giám định theo trưng cầu trong trường hợp không đủ giám
định viên tư pháp, Bộ TT-TT đều có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp công
bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực
thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, đến nay (ngày 24/06/2014), tra cứu
trên trang điện tử của Bộ TT-TT, chúng tôi vẫn không thấy đăng tải danh sách
giám định viên vụ việc.
c. Theo khoản 1 điều
157 BL TTHS: “Nội dung kết luận giám định phải ghi rõ: thời gian, địa điểm
tiến hành giám định; họ tên, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn của
người giám định; những người tham gia khi tiến hành giám định; những dấu vết,
đồ vật, tài liệu và tất cả những gì đã được giám định, những phương pháp
được áp dụngvà giải đáp những vấn đề đã được đặt ra có căn cứ cụ thể”. Tuy
nhiên, tại KLGĐ không thấy nêu trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn
của những người giám định. KLGĐ có liệt kê ra các phương pháp thực
hiện giám định: tổng hợp, thống kê, phân tích, so sánh, đối chiếu,
nhưng lại không thấy sử dụng những phương pháp này như thế nào để thu
được kết quả giám định. Như vậy, KLGĐ này không phù hợp với quy định
trên của BL TTHS nên không có giá trị pháp lý (Chúng tôi đề nghị
những người được coi là giám định viên phải đến Tòa để trình bày
về tư cách, chuyên môn và nội dung của KLGĐ. Tại phiên tòa sơ thẩm, chúng
tôi đã yêu cầu nhưng chưa được đáp ứng, song Tòa án vẫn căn cứ vào KLGĐ để kết
tội bị cáo).
4. Tòa án cấp sơ thẩm đã không đảm bảo nguyên tắc xét
xử công khai, nguyên tắc tranh tụng, không công bố các tài liệu có trong hồ sơ
vụ án tại phiên tòa xét xử.
a. Không đảm bảo nguyên tắc xét xử công khai
Khoản 1 điều 31 Hiến pháp 2013 quy định: “Người bị
buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng,
công khai.”
Điều 18 BL TTHS quy định: “Việc xét xử của Toà án
được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự…”
Tại Quyết định số 04/2014/HSST- QĐ về việc đưa ra xét
xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo TDN của TAND TP. Đà Nẵng ghi “vụ án
được xét xử công khai”. Vợ bị cáo TDN đã có đơn đề nghị Tòa tạo điều kiện
cho nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp tham dự phiên xử. Sáng ngày xét xử sơ
thẩm, những người này có mặt đông đủ trước tòa, nhưng đều không được vào tham
dự. Như vậy, Tòa cấp sơ thẩm đã không thực hiện đúng trình tự luật định, vi
phạm những quy định nêu trên của Hiến pháp và BL TTHS.
b. Không công bố các tài liệu có trong hồ sơ vụ án tại
phiên tòa, không tạo điều kiện cho luật sư khi hỏi bị cáo.
Điều 214 BL TTHS quy định:“Các tài liệu có trong hồ
sơ vụ án đều phải được công bố tại phiên tòa”.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, tôi đã đề nghị Hội
đồng xét xử công bố (hoặc cung cấp cho bị cáo TDN) những tài liệu được coi là
căn cứ để buộc tội bị cáo là: 12 bài viết, đăng của TDN, Bản Kết luận giám
định. Bà thẩm phán không chấp nhận, không thực hiện quy định trên của BL TTHS.
Điều 209, khoản 3 BL TTHS qui định:
Người bào chữa hỏi về những tình tiết liên quan đến việc bào chữa. Tại
phiên tòa sơ thẩm, tôi hỏi bị cáo về từng bài viết, cùng động cơ, ý thức
của bị cáo khi viết, ý kiến của bị cáo về KLGĐ. Tuy nhiên, chủ tọa chỉ cho luật
sư hỏi 7 bài trong 12 bài TDN viết, đăng, không cho luật sư hỏi tiếp những tình
tiết liên quan đến 5 bài còn lại, làm trái qui định trên của BL TTHS.
c. Không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử
Tại khoản 5 điều 103 Hiến pháp 2013 quy định: “Nguyên
tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”.
Điều 218 BL TTHS quy định:
Bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng
khác có quyền trình bày ý kiến về luận tội của Kiểm sát viên và đưa ra đề nghị
của mình; Kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý
kiến.
Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của
người khác. Chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều
kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền
cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án.
Chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị Kiểm sát viên phải
đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người
tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận.
Tuy nhiên, nguyên tắc và những quy định này đã không
được đảm bảo trong phiên tòa sơ thẩm. Ví dụ:
Khi vị đại diện Viện Kiểm sát thay đổi quan điểm so
với bản Cáo trạng, cho rằng những bài viết và đăng của TDN xâm phạm đến lợi ích
của Nhà nước (tức không thuộc đối tượng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của
tổ chức, công dân). Nhưng khi tôi cho rằng bị cáo không xâm phạm lợi ích Nhà
nước và đề nghị vị đại diện Viện Kiểm sát nếu giữ quan điểm như vậy, phải xác
định những lợi ích nào của Nhà nước bị xâm phạm trong vụ án này (những lợi ích
Nhà nước được quy định trong điều khoản nào của văn bản pháp luật nào), vị đại
diện Viện Kiểm sát đã không tranh luận lại, và chủ tọa cũng không yêu cầu vị
đại diện Viện Kiểm sát đáp lại, mặc dù tôi đã đề nghị.
Phần tự bào chữa của bị cáo bị chủ tọa cắt ngang và
đại diện Viện kiểm sát cũng không tranh luận lại với bị cáo.
II/ Không có căn cứ xác định 12 bài viết, đăng của TDN
nêu trong Cáo trạng xâm phạm đến lợi ích Nhà nước và không có căn cứ xác định
tình tiết nghiêm trọng đối với trường hợp TDN, nhưng tòa sơ thẩm vẫn kết
tội TDN theo điều 258, khoản 2.
Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy định nghĩa về lợi
ích Nhà nước.Tuy nhiên, Hiến pháp 2013 có những quy định sau về Nhà nước:
Khoản 1 điều 2 Hiến pháp:
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân..
Điều 3 Hiến pháp:
Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân;
công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân;
thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người
có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Như vậy, có thể xác định lợi ích Nhà nước là những lợi
ích vì dân, vì dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh, vì một nền pháp
quyền (để đảm bảo quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân).
12 bài viết, đăng của TDN nêu trong Bản án sơ thẩm
gồm:
(1) Bài “Trong Đảng
và ngoài Đảng”
Bài viết kể lại 4 câu chuyện vui có thật về
đảng và đảng viên mà ông TDN trực tiếp chứng kiến, nhân ngày thành lập
Đảng.
(2) Bài “Chấm điểm
Thủ tướng”
Bài viết nêu lên những nhận xét của cá nhân TDN về Thủ
tướng Chính phủ.
(3) Bài “Chấm điểm
bộ tứ nguyên thủ”
Bài viết nêu lên những nhận xét của cá nhân TDN về 04
vị lãnh đạo: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
(4) Bài “Tại sao chỉ là bóng đá”
Bài viết thể hiện quan điểm của TDN phê phán
về tình trạng hiện nay của một số hội, đoàn
(5) Bài “Bóng đá và
Đảng”
Bài viết nêu một số thông tin về bóng đá và đặt vấn đề
lãnh đạo hội, đoàn không nhất thiết phải là Đảng viên.
(6) Bài “Việt Nam
2011”
Bài viết này, TDN đã nêu những số liệu chứng minh
nền kinh tế Việt Nam năm 2011 đã không đạt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đã
đề ra. Các nhà lãnh đạo và Quốc hội chưa tìm được giải pháp để khắc phục vấn
đề này.
(7) Bài “Chất lượng
Chính phủ quá tệ”
Bài viết tổng hợp số liệu thông qua một cuộc khảo sát
các bạn đọc trên trang truongduynhat.vn để đánh giá chất lượng Chính phủ.
(8) Bài “Khi Chủ
tịch nước tập làm văn”
Bài viết nêu nhận xét của cá nhân TDN về một bản thông
điệp của Chủ tịch nước.
(9) Bài “Từ Đồng
Nọc Nạn đến Đoàn Văn Vươn”
Bài viết là những cảm tưởng, suy nghĩ của TDN về vụ
Đoàn Văn Vươn và vụ Đồng Nọc Nạn.
(10) Bài “Tổng Bí thư và Thủ tướng nên ra đi”
Bài viết là những nhận xét, suy nghĩ của TDN về tình
hình kinh tế, chính trị của đất nước.
(11) Bài “Bỏ phiếu cùng Quốc hội”
Bài viết đưa ra số liệu thống kê trong một cuộc bỏ
phiếu tín nhiệm cùng quốc hội qua “thùng phiếu điện tử” trên website Một góc
nhìn khác.
(12) Bài “Những chiếc lồng son”
Bài viết này của một tác giả ký tên Nguyễn Dương gửi
đến website truongduynhat.vn, có nội dung là những cảm nghĩ của tác giả về nghề
báo, về thực trạng tại các bệnh viện, trường học….
Không có căn cứ để xác định 12 bài này xâm phạm đến
lợi ích Nhà nước và chính bản án sơ thẩm cũng không nêu được căn cứ nào.
VKS truy tố TDN theo khoản 2, điều 258 (phạm tội
trong trường hợp nghiêm trọng), nhưng không nêu căn cứ nào để xác định tình
tiếtnghiêm trọng. Ngay trong Bản án sơ thẩm cũng không nêu căn cứ nào để
chứng minh về tình tiết nghiêm trọng.
Rõ ràng, Tòa sơ thẩm đã tùy
tiện kết tội bị cáo theo điều 258, khoản 2, BLHS mà không chứng minh được
hành vi của bị cáo xâm phạm lợi ích nhà nước, thuộc trường hợp nghiêm trọng.
Thực tế 12 bài viết, đăng này là
những ý kiến của bị cáo (và 1 bạn đọc khác), đánh giá về tình hình đất nước,
một số cơ quan nhà nước, nhận xét về lãnh đạo Đảng, nhà nước, thực hiện quyền
tự do ngôn luận, quyền giám sát của công dân. Những quyền này được Đảng,
nhà nước khuyến khích, pháp luật tôn trọng và bảo đảm, để góp phần xây dựng một
nhà nước pháp quyến dân chủ.
C. Đề xuất của luật sư Trần Vũ Hải đề nghị
Tòa án giải quyết vụ án:
1. Xác định Cơ quan
ANĐT đã điều tra không đúng thẩm quyền, bắt khẩn cấp TDN không có căn
cứ, Kết luận điều tra không có giá trị pháp lý.
2. Những người ký
vào KLGĐ không phải là những giám định viên hợp lệ, nội dung KLGĐ
không phù hợp BL TTHS, KLGĐ không có giá trị pháp lý.
3. Tòa án cấp sơ thẩm
đã xét xử chưa công khai và chưa đúng nhiều quy định theo BL TTHS, chưa đảm bảo
nguyên tắc tranh tụng.
4. Xác định 12 bài
viết, đăng của TDN nêu trong Bản án sơ thẩm không xâm phạm lợi ích nào của Nhà
nước, không có căn cứ xác định thuộc trường hợp nghiêm trọng theo khoản
2, điều 258 BLHS.
5. Xác
định những bài viết của TDN thể hiện TDN thực hiện quyền tự do ngôn
luận, quyền giám sát của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, quyền
tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến
nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và
cả nước (điều 53, 69 Hiến pháp 1992 tương ứng các điều 28, 25 Hiến
pháp 2013), phù hợp với điều 19 khoản 2 và khoản 3 Công ước quốc tế về các
quyền dân sự và chính trị 1966 (Việt Nam tham gia năm 1984). Những quan điểm
cá nhân của TDN có thể đúng, có thể chưa chính xác nhưng TDN có
quyền đưa ra và giữ quan điểm của mình, những người khác có quyền
đánh giá, nhận xét, tranh luận về quan điểm của TDN để thể hiện
Việt Nam là một nước thực sự dân chủ, xứng đáng là thành viên của Hội
đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc.
6. Trương Duy Nhất
không phạm tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích
của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
(điều 258 BLHS), ông phải được trả tự do ngay tại phiên tòa.
Nguồn: bolapquechoa.blogspot.com