Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Dân oan cần biết



Luật sư Hà Huy Sơn


I. Giấy mời, giấy triệu tập hiểu theo Đại từ điển tiếng Việt Nguyễn Như Ý (Chủ biên), NXB Đại học Quốc gia Tp. HCM năm 2010:

Từ điển không có từ “giấy mời” chỉ có “mời” là: Tỏ ý mong muốn, yêu cầu ai làm việc gì với thái độ lịch sự trân trọng (tr 1059). Nên có thể hiểu “giấy mời” là “mời” được ghi ra giấy.

Từ “triệu tập” là: “Gọi, mời đến tập trung một địa điểm (thường mở hội nghị, lớp học)” (tr 1653).

II. Theo quy định của pháp luật:

1. Không có một điều khoản hay một văn bản pháp luật nào hiện hành quy định công dân khi nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước, công chức là bắt buộc phải đến theo yêu cầu. Hay nói cách khác là người được mời có quyền tùy nghi, đến hoặc không đến.

2. Giấy triệu tập theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì những người sau đây phải có mặt:

2.1. Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát (khoản 3, Điều 49);

2.2. Bị cáo phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án (khoản 3, Điều 50);

2.3. Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án (khoản 4, Điều 51);

2.4. Nguyên đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án (khoản 3, Điều 52);

2.5. Bị đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án (khoản 3, Điều 53);

2.6. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án (khoản 2, Điều 54);

2.7. Có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải (điểm a, khoản 4, Điều 55).

Điểm 1.4, mục 1 Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12/01/2006 của Bộ Công an ban hành hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, quy định:

“Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng. Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định. Giấy triệu tập bị can tại ngoại; giấy triệu tập hoặc giấy mời người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đến Cơ quan điều tra để làm việc chỉ có giá trị làm việc trong một lần.

Nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng giấy triệu tập để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như lợi dụng việc ký, sử dụng giấy triệu tập gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày, v.v. làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trước khi triệu tập hoặc mời thì Điều tra viên phải tính toán về thời gian, về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời. Nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của Cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở Công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai hoặc báo cáo đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra”.

3. Quyền công dân có luật sư:

Khoản 4, Điều 31, Hiến pháp 2013, quy định:

“Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.”

Bộ luật tố tụng hình sự 2003:

Khoản 4, Điều 56, quy định: “ Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.

Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.”

Điều 58, quy định trích:

1. Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người theo quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ. Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

2. Người bào chữa có quyền:

a) Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;

b) Đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can;”

Khoản 1, Điều 59, quy định: “ Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự có quyền nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án chấp nhận bảo vệ quyền lợi cho mình.”

Tôi nêu ra một số quy định pháp luật về giấy mời, giấy triệu tập và quyền có luật sư để giúp cho những người quan tâm hiểu được quyền của công dân trong vấn đề liên quan.

Hà Nội, 25/03/2014

H.H.S.

Theo BVN