Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Tuyên Bố Chung các tổ chức XHDS tại Việt Nam ngày 4/5/2014  in CTNLT // 0 Comments


TUYEN BO CHUNG

CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM HÃY NGHIÊM TÚC TÔN TRỌNG QUYỀN TỰ DO LẬP HỘI

Sau khi Hội CTNLT ra thông cáo báo chí về hai buổi làm việc ngày 24/4/2014 với an ninh TpHCM, chính quyền tiếp tục mời anh Phạm Bá Hải chất vấn về Hội CTNLT vào chiều ngày 29/4/2014.
Bên chính quyền gồm có một trung tá, một đại úy và một nhân viên an ninh huyện Hóc Môn. Cả ba đã có mặt trong lần làm việc thứ nhất.
Để làm rõ hơn nữa thông tin hoạt động của Hội và thông tin liên quan đến buổi chất vấn lần hai, Hội CTNLT nêu rõ quan điểm về 05 kết luận từ phía chính quyền như sau:
Kết luận mộtỞ VN không có “tù nhân lương tâm” mà chỉ có những người vi phạm pháp luật VN và bị nhà nước xử lý hình sự. Việc đặc xá tha tù là chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và nhà nước.
Phần nhập đề của Tuyên cáo thành lập Hội CTNLT có ghi: “Tự do lương tâm là một trong các quyền cơ bản của con người, bên cạnh tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận… Sống theo lương tâm là sống trong đạo đức, trong tình thương, trong công lý và trong sự thật. Hành động theo lương tâm là hành động mang lại hạnh phúc cho nhân quần xã hội, đặc biệt cho những ai là nạn nhân của mọi xâm hại quyền con người”. Một khi luật và áp dụng luật thực sự chỉ nhắm đàn áp lương tâm con người thì lương tâm có quyền lên tiếng. Những người lên tiếng trong trường hợp như vậy là tù nhân lương tâm.
Báo cáo nhân quyền năm nay với tựa đề “Những tiếng nói bị bịt miệng: tù nhân lương tâm tại VN”, tổ chức Ân xã Quốc tế đã thống kê một danh sách không đầy đủ gồm 75 tù nhân lương tâm hiện đang bị giam cầm tại VN.
Hội CTNLT bao gồm những người đã từng bị ngồi tù vì lên tiếng ôn hòa cho nhân quyền căn bản, kêu gọi chính quyền VN xóa bỏ các Điều 79, 88, 258 và các điều luật mơ hồ khác dùng để bịt miệng người bất đồng chính kiến. Bỏ các điều luật này là sự biểu hiện sự tôn trọng nhân quyền thực sự.
Kết luận hai:  Khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chính quyền có quyền tiếp xúc với gia đình người bị tình nghi vi phạm pháp luật để vận động gia đình tác động uốn nắn người đó trước khi bị xử lý.
Quy kết vi phạm pháp luật đối với những người vận động nhân quyền ôn hòa là hành động đàn áp có chủ đích chính trị, nhằm bảo vệ độc tài, lạm quyền và tham nhũng.
Điều 7, Tuyên ngôn Người bảo vệ nhân quyền LHQ đã nhấn mạnh: “Mọi người đều có quyền, cá nhân và kết hợp với những người khác, phát triển và thảo luận các ý tưởng và nguyên tắc mới về quyền con người; và vận động để được chấp nhận”. 
Quá trình vận động để nhiều người nhận thức được và chính quyền chấp nhận là một công việc lâu dài và gian nan để có được sự thay đổi theo hướng tôn trọng nhân quyền. Hội CTNLT khẳng định hành động như vậy không thể xem như vi phạm pháp luật.
Trong quá khứ, các vụ chính quyền tiếp xúc vận động thân nhân người bất đồng chính kiến hầu hết đều trở thành các cuộc quấy nhiễu, răn đe người thân, làm áp lực gián tiếp lên các hoạt động của người bảo vệ nhân quyền. Một thí dụ điển hình là bà Đặng Thị Kim Liêng – mẹ bogger Tạ Phong Tần đã tự thiêu ngày 30/7/2012.
Kết luận ba: Yêu cầu không được đưa tin về nội dung các cuộc làm việc với an ninh.
Điều 8, mục 2, Tuyên ngôn về Người Bảo vệ nhân quyền xác định: “các cá nhân hay kết hợp với những người khác, trong số những quyền khác, quyền được đệ trình lên ban ngành chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan những lời phê bình chỉ trích về vấn đề công cộng; và đề xuất dự án cải thiện chức năng của họ; và nhằm thu hút sự chú ý từ bất kỳ khía cạnh công việc nào của họ mà nó có thể trở ngại hoặc ngăn cản việc thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện quyền con người và các quyền tự do căn bản”.
Các cuộc vận động thay đổi luật pháp, thừa nhận các quyền căn bản là công khai, minh bạch, Hội CTNLT duy trì tính minh bạch các hoạt động, vận động quần chúng tìm hiểu về các hoạt động nhân quyền. Theo đó, công khai nội dung liên quan đến vận động nhân quyền trong các buổi làm việc với chính quyền là quyền lợi và cần thiết.
Hơn nữa, giấy mời làm việc của cơ quan an ninh không có tính bắt buộc trong pháp luật tố tụng hình sự, tức đương sự được mời có thể không đi và không phải giữ kín nội dung làm việc theo các quy định bảo mật của ngành công an. Ngược lại, đương sự được mời hoàn toàn có quyền được thông tin theo quyền công dân.
Kết luận bốn: Trong thông cáo báo chí vừa qua của Hội CTNLT có nêu tên một sỹ quan an ninh mà không hỏi ý kiến người đó. Yêu cầu gỡ bỏ thông cáo báo chí xuống.
Chính quyền đưa giấy mời một thành viên trong Ban điều hành của Hội CTNLT làm việc về công việc của hội. Thành viên có nghĩa vụ trả lời các câu hỏi có liên quan về hội trong thẩm quyền được ủy nhiệm. Dó đó nội dung sẽ được báo cáo cho ban điều hành, đôi khi những người vận động nhân quyền cũng có quyền được biết đến nếu nó giúp họ tìm ra một giải pháp cho tôn trọng nhân quyền.
Tuyên ngôn Người Bảo vệ nhân quyền, Điều 9, mục 1, ghi rõ: “Trong việc thực hiện các quyền con người và những quyền tự do căn bản, bao gồm cả việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền như đã nêu trong Tuyên ngôn này, tất cả mọi người có quyền, cá nhân và kết hợp với những người khác, được hưởng lợi từ một giải pháp khắc phục có hiệu quả và được bảo vệ trong trường hợp có xâm phạm các quyền đó”.
Tuy nhiên, xét thấy việc nêu tên cụ thể không là vấn đề chính trong quá trình vận động, Hội CTNLT quyết định rút danh tính của một người sỹ quan đã đề cập trong thông cáo báo chí ngày 26/4. Bản thông cáo cập nhật được đăng tải đồng thời với tuyền bố này.
Và chúng tôi vẫn duy trì quyền được biết của người dân bằng cách tiếp tục lưu hành các thông cáo báo chí.
Kết luận năm: Yêu cầu Hội CTNLT chấm dứt hoạt động vì không có giấy phép của nhà nước.
Hội CTNLT thành lập dựa trên các cơ sở không thể phủ nhận:
- Công ước quốc tế về Quyền chính trị và dân sự mà Nhà nước Việt  Nam đã ký kết vào năm 1982, với Điều 21 ghi: “Quyền hội họp hoà bình phải được công nhận. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội hoặc bảo vệ quyền và tự do của những người khác”.
- Hiến pháp Việt Nam năm 2013 về các quyền công dân về việc hội họp, lập hội.
- Các quy định của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc mà Nhà nước Việt Nam trở thành thành viên chính thức vào tháng 11/2013 với nhiệm kỳ 2014-2016.
Hội CTNLT một lần nữa yêu cầu Nhà nước Việt Nam và cơ quan an ninh tôn trọng quyền được tự do lập hội của người dân và các quy định về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Hội CTNLT đề nghị Quốc hội Việt Nam khẩn trương ban hành Luật lập hội – một văn bản rất cần thiết nhưng đã bị trì hoãn suốt hơn hai chục năm qua kể từ hiến pháp năm 1992. Nếu văn bản này được ban hành, Hội CTNLT sẽ tiến hành thủ tục hoạt động theo quy định mới.
Và chúng tôi hoàn toàn bác bỏ yêu cầu chấm dứt hoạt động.
Trong trường hợp tiếp tục bị cơ quan an ninh gây sức ép hoặc sách nhiễu, các thành viên của Hội CTNLT có quyền từ chối giấy mời làm việc của công an, đồng thời có thể xem xét thực hiện thủ tục khiếu nại, tố cáo tới các cấp thẩm quyền trong nước và quốc tế.
Ngày 4/5/2014

Đồng hành ký tên đòi quyền Tự do lập hội và các quyền căn bản khác nêu trong tuyên bố chung này:

  1. Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm: Bs.Nguyễn Đan Quế, Lm.Phan Văn Lợi, Ht.Thích Không Tánh
  2. Hội Phụ Nữ Nhân Quyền: Bà Dương Thị Tân, Huỳnh Thục Vy.
  3. Hội Anh Em Dân Chủ: Ls.Nguyễn Văn Đài.
  4. Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự: Ts.Nguyễn Quang A.
  5. Truyền Thông Dòng Chúa Cứu Thế: Lm.Lê Ngọc Thanh.
  6. Cao Trào Nhân Bản: Bs.Nguyễn Đan Quế.
  7. Boxit Việt Nam:Gs.Nguyễn Huệ Chi.
  8. Khối 8406: Ks.Đỗ Nam Hải.
  9. Hiệp Hội Dân Oan: Ông Nguyễn Xuân Ngữ.
  10. Hội Bầu Bí Tương Thân: Ông Nguyễn Lê Hùng.
  11. Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo: Ls.Nguyễn Bắc Truyển.
  12. Ban vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập: Nhà văn Nguyên Ngọc.
  13. Bạch Đằng Giang Foundation: Ths.Phạm Bá Hải.