Vũ Minh
Dự cảm của các chuyên gia bất động sản những ngày đầu
năm 2014 dường như dần trở thành hiện thực khi dòng tiền từ Trung Quốc đang ồ
ạt đổ vào các dự án bất động sản Việt Nam.
Nhà đầu tư Trung Quốc đang quan tâm đặc
biệt đến loại hình bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh minh họa
Tập đoàn xi măng Hạnh Phúc (Đài Loan) mới đây đã có
thông báo về việc sẽ đầu tư triển khai khu du lịch sinh thái quy mô 516ha với
tổng mức đầu tư lên tới 1 tỷ USD tại đảo Hoàng Tân (TX. Quảng Yên, Quảng Ninh).
Dự án gồm các hạng mục chính như: sân golf; khu vực
nghỉ dưỡng; khu khách sạn cao cấp 6 sao; trung tâm dịch vụ du lịch; trung tâm
kinh doanh, giải trí; quảng trường và trung tâm thể dục thể thao; khu công
viên;…
Hiện tập đoàn này đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch
chi tiết tỷ lệ 1/500 và sẽ triển khai sớm nhất có thể.
Cũng tại Quảng Ninh, một đại gia khác là Tập đoàn
Texhong (Hồng Kông) cũng vừa đổ vốn đầu tư dự án tại đây. Theo đó, Texhong đã
nhận giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn 1 dự án Khu công nghiệp Hải Hà (huyện Hải
Hà, Quảng Ninh).
Quy mô dự án khoảng hơn 640ha, tổng vốn đầu tư đăng ký
là 4.520,12 tỷ đồng (tương đương 215 triệu USD), dự kiến sẽ tiến hành khởi công
trong tháng 7/2014.
Tham vọng của Texhong là muốn đổ khoảng 950 triệu USD
để đầu tư toàn bộ phần đất được quy hoạch cho khu công nghiệp trong tổng thể dự
án khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà, với quy mô khoảng 3.000 ha.
Tuy nhiên, trung tuần tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính
phủ chỉ đồng ý về chủ trương cho Texhong đầu tư giai đoạn 1 với diện tích hơn
640ha.
Trước đó, tại Nam Định, liên danh gồm 3 nhà đầu tư:
Foshan Sanshui Jialida (Trung Quốc), Luenthai (Hồng Kông) và Công ty CP Đầu tư
Vinatex (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) đã quyết định thực hiện Đề án thành lập khu
công nghiệp Dệt may Rạng Đông tại tỉnh Nam Định.
Theo đề án của các nhà đầu tư Trung Quốc, đây sẽ là
khu công nghiệp dệt may quy mô lớn nhất Việt Nam với quy mô khoảng 1.500ha,
tổng mức đầu tư khoảng gần 400 triệu USD với lộ trình thực hiện theo hình thức
cuốn chiếu.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch
và đầu tư), dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng mạnh đặc biệt là
2 lĩnh vực bất động sản và dệt may. Vốn FDI đăng ký năm 2013 đã tăng hơn 7 lần
so với năm 2012 từ mức 345 triệu USD lên 2,3 tỷ USD.
Đến “lùng sục” mua lại
Ngoài việc tự đầu tư mới dự án, làn sóng các nhà đầu
tư Trung Quốc “ngấp nghé” mua lại các dự án bất động sản tại Việt Nam đang có
xu hướng mạnh lên rõ rệt.
Tiếp nối những thương vụ M&A đình đám của năm
2013, ngay đầu năm 2014, Tập đoàn Sunwah đã góp 200 triệu USD vào dự án xây
dựng khu chung cư ở quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Đây là dự án FDI lớn nhất vào Việt Nam trong quý
I/2014, nâng tổng vốn đăng ký FDI trong lĩnh vực bất động sản quý I lên 288
triệu USD, chiếm 8,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Thực tế, Sunwah không phải là gương mặt mới đối với
thị trường bất động sản Việt Nam. Sunwah đã đầu tư vào Việt Nam 70 triệu USD
cho cao ốc SunWah, 400 triệu USD vào dự án khu liên hợp văn phòng, nhà ở, khu
giải trí Saigon Pearl.
Sunwah cũng tham gia vào Công ty Quản lý quỹ đầu tư
VinaCapital và cũng có kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp và một khu du lịch
sinh thái ở Hà Nội và Vĩnh Phúc.
Ngoài thương vụ đình đám của Sunwah, hiện trên thị
trường có khá nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang “ngấp nghé” để mua lại các dự án
bất động sản.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills
Việt Nam, cho biết: Năm 2014, các nhà đầu tư ngoại sẽ quay lại với thị trường
bất động sản Việt Nam, trong đó tâm điểm của mọi chú ý thuộc về các nhà đầu tư
đến từ Trung Quốc.
Theo chia sẻ của ông Troy, Savills đã nhận được rất
nhiều yêu cầu mua lại các dự án bất động sản từ các nhà đầu tư Trung Quốc.
Nhiều khả năng sẽ có dòng vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc chảy vào bất động sản
trong tương lai gần
Đồng quan điểm trên, báo cáo mới nhất của CBRE Việt
Nam cũng tiết lộ, cùng với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, một số
nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ tiền đầu tư bất động sản tại khu vực miền Trung.
Đặc biệt, các nhà đầu tư Hồng Kông, Trung Quốc đang
ngấp nghé nhiều dự án nghỉ dưỡng kèm theo loại hình kinh doanh giải trí ở Đà
Nẵng.
Những báo cáo của các tổ chức tư vấn quốc tế về bất
động sản đều cho thấy, trong hai năm qua, đã có nhiều người mua từ Trung Quốc,
Hồng Kông, Singapore và Macau chú ý tới thị trường biệt thự nghỉ dưỡng của Việt
Nam.
Những bất động sản ở vị trí đắc địa thuộc lĩnh vực
khách sạn, nhà ở… thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư này.
Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân dẫn
đến việc dòng tiền từ Trung Quốc liên tục đổ vào Việt Nam trong thời gian gần
đây.
Hãng môi giới Nomura cho biết: Các số liệu cho thấy
trong quý I/2014, lượng dự án nhà xây dựng mới đã giảm khoảng 25%, giao dịch
bất động sản cũng sụt giảm đáng kể; Giá cả theo đó cũng đi xuống đặc biệt tại
các thành phố nhỏ và trung bình.
Họ cho rằng bất động sản Trung Quốc đang gặp phải
nhiều vấn đề như: Tăng trưởng tín dụng quá nóng, trong khi đó các chính sách
chỉ nhằm kích thích tăng trưởng ngắn hạn hơn là cân bằng nền kinh tế.
Các nhà kinh tế học của Nomura nhận định: Bong bóng
bất động sản Trung Quốc đã vỡ, cơn sốt xây dựng cũng gây ra tình trạng dư thừa nguồn
cung tại nhiều nơi; Lĩnh vực này sẽ rẽ sang hướng khác.
Mặt khác, theo đánh giá của ông Timothy Horton, Tổng
giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, yếu tố giá bất động sản của Việt Nam
rẻ hơn so với Trung Quốc chính là mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư đến
từ quốc gia này.
V. M.